Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu có thể sẽ thay đổi hàng ngày. Ảnh internet |
Người phát ngôn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có những trao đổi với báo chí xung quanh việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua. ông Hải cho biết, thời gian thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu mới được 1 năm và 2 tháng.
Do vậy, cần thêm thời gian vận hành để có thực tiễn đúc kết, qua đó phát hiện chính xác, chỉnh sửa những nhược điểm, vướng mắc (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trong quý I/2016, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam…
“Sau Hội nghị sẽ có tổng hợp, đánh giá, đề xuất (nếu có) báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Mọi đề xuất, thay đổi (nếu có) phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam như năng lực thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng…”, ông Hải nói.
Thông tin này được đưa ra sau những thông tin ông Đỗ Thắng Hải nêu ra trong cuộc gặp mặt báo chí cuối năm của Bộ này.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây giá xăng dầu được điều chỉnh theo các khung giờ khác nhau và bị dư luận than phiền là cơ quan điều hành chọn “giờ hiểm” như nửa đêm, giờ tan ca để tăng - giảm giá. Tuy nhiên, suốt một năm qua, Bộ Công Thương đã chọn thời điểm 15 giờ của ngày thứ 15 trong chu kỳ tính toán giá cơ sở để công bố mức giá điều chỉnh.
“Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu hằng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay”, ông Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị Thứ trưởng này cho rằng, đối với việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu xưa nay vốn được dùng làm công cụ cân đối, dùng trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá mạnh, nhưng rồi sẽ có lúc Quỹ này cũng phải bỏ.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kể từ khi Nghị định 83 ra đời và có hiệu lực, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngày càng phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh, giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, có tính đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống người dân…
Năm 2015, đã có 23 đợt điều hành giá xăng dầu, biên độ điều chỉnh giá không quá cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong 23 đợt điều hành giá xăng dầu trong năm 2015, bên cạnh các lần giữ ổn định giá bằng các công cụ tài chính thì mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá, 6 lần tăng giá.
Dầu diesel có 13 lần giảm giá, với tổng mức giảm là 7.017 đồng/lít, 4 lần tăng giá với tổng mức tăng là 1.998 đồng/lít...
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục thống kê, ông Hải cho biết, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm (năm 2015 giảm 24,77%), điều đó đã tác động kéo theo chỉ số giá của một số nhóm hàng giảm, như nhà ở và vật liệu xây dựng và giao thông năm 2015 lần lượt giảm so với năm trước là 1,62% và 11,92%… đã góp phần giảm CPI chung của cả nước.
Mặt khác, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước năm 2015 cũng đã được cải thiện. Cùng với việc giảm bớt 1, tăng thêm 5 thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, nâng tổng số thương nhân đầu mối lên 23, thì năm 2015 là năm đầu tiêu đánh dấu việc hình thành các thương nhân phân phối theo Nghị định 83.
Cho đến nay, đã có 69 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu trong nước, cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh trực tiếp với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về giá bán lẻ, qua đó giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng được lựa chọn mua xăng dầu với mức giá phù hợp.