Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Định hình hệ sinh thái logistics bền vững
Lê Quân - 10/10/2023 15:02
 
Mô hình hệ sinh thái logistics bền vững tương đối phù hợp với Việt Nam và có thể sẽ là xu hướng trong thời gian tới vì giải quyết được bài toán giảm chi phí logistics.
Ngành logistics Việt Nam có triển vọng phát triển vượt bậc trong thời gian tới, khi hệ thống kho bãi đang được mở rộng dồn dập. Ảnh: Đức Thanh

Định hình tương lai ngành logistics Việt Nam

“Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, mô hình logistics truyền thống gồm 10 bước đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra hệ sinh thái logistics toàn diện. Sự thay đổi này đang diễn ra trên toàn cầu, chứ không chỉ gói gọn trong một quốc gia nào”, ông Richard Dong, Sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Hidden Hill Capital chia sẻ tại Hội nghị Logistics 2023 do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức cuối tuần trước.

Quan sát các chuyển động của thị trường, ông Richard Dong cho biết, sự phát triển của ngành logistics đang thay đổi không ngừng. Trong đó, 3 nhân tố chính sẽ thúc đẩy sự thay đổi chuỗi cung ứng là chuyển đổi số, thiết bị thông minh và năng lượng mới. Các xu hướng này khi áp dụng vào hệ sinh thái logistics sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi cung ứng.

Chung nhận định, ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty CEL cho biết, sau Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu có sự thay đổi rõ rệt, với xu hướng đa dạng hơn ở nhiều nơi khác nhau, thay vì phụ thuộc vào một nơi. Xu hướng này đang tăng trưởng nhanh và mạnh.

“Khái niệm đa dạng hóa của nhà cung cấp sẽ là tương lai của ngành logistics. Điều này thể hiện rõ qua số liệu vốn đầu tư nước ngoài chảy vào ASEAN đang dần bắt kịp với Trung Quốc. Ngày nay không phải là Trung Quốc +1 nữa, mà ít nhất là Trung Quốc +2”, ông Julien Brun nhấn mạnh.

Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tạo thành hệ sinh thái logistics dù đang diễn ra nhanh, nhưng nếu một mình doanh nghiệp logistics làm, thì rất khó thành công. Từ các mô hình hệ sinh thái logistics thành công ở các nước phát triển, ông Richard Dong cho rằng, một hệ sinh thái toàn diện của ngành logistics cần có sự tham gia của nhiều bên, như người kinh doanh logistics, người sử dụng dịch vụ logistics và các công ty có ngành nghề liên quan đến dịch vụ này.

Và một yếu tố quan trọng nữa, theo ông Richard Dong, là phải có sự tham gia của Chính phủ trong việc hoạch định quy hoạch quỹ đất lớn để làm hệ sinh thái logistics.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với ngành logistics, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group cho biết, khi nghiên cứu sâu mô hình hệ sinh thái logistics (Logistics Industrial Cluster -LIC), bà thấy rằng, mô hình này tương đối phù hợp trong tình hình hiện nay tại Việt Nam. Đây là cụm liên kết ngành giữa logistics và công nghiệp, đã được các nước phát triển về ngành logistics thực hiện từ rất lâu, song phát triển chưa nhiều tại Việt Nam.

Khi tham gia hệ sinh thái này, các doanh nghiệp được đảm bảo chia sẻ về quyền lợi. Với sự quy hoạch quỹ đất từ đầu để xây dựng nhà máy, trung tâm logistics gần với cảng, sẽ giải quyết được bài toán đầu tiên về chi phí và thời gian vận chuyển. Đó là chưa kể, việc ứng dụng đồng bộ công nghệ số và các hoạt động khác sẽ mang lại giá trị rất lớn, giảm được chi phí cho cả hệ sinh thái mà doanh nghiệp sử dụng.

Khi sử dụng dịch vụ trong hệ sinh thái, doanh nghiệp sẽ giảm được 20% tổng chi phí so với sử dụng các dịch vụ logistics đơn lẻ bên ngoài, bởi việc nhà máy sản xuất nằm gần ngay cảng đã cắt giảm được rất nhiều chi phí về vận tải. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng những giá trị gia tăng khác trong hệ sinh thái chia sẻ.

Hướng đến logistics bền vững

Tại Hội nghị Logistics 2023, ông Julien Brun nhận định, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là chưa đủ. Doanh nghiệp logistics còn phải thực hiện quy trình xanh hơn, sạch hơn, thì mới đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, vấn đề phát triển bền vững là của thì tương lai, song không ít doanh nghiệp nhìn nhận, đây là vấn đề hiện hữu. Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại và Phát triển bền vững của Nestlé Việt Nam cho biết, các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu đang ngày càng có nhiều các quy định khắt khe hơn về phát triển bền vững, nên bắt buộc doanh nghiệp phải hành động ngay từ bây giờ.

Theo ông Hưng, Nestlé luôn đặt phát triển bền vững làm tiêu chuẩn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối chuỗi cung ứng. Trong đó, doanh nghiệp đã có nhiều cam kết ở mức độ toàn cầu về Net Zero, không có sản phẩm liên quan tới phá rừng, đẩy mạnh nông nghiệp tái sinh, quản lý nguồn nước, phát triển bao bì bền vững, kinh tế tuần hoàn…

Không chỉ thực hiện phát triển bền vững, Nestlé còn lan tỏa phát triển bền vững đến tất cả các nhà cung cấp của thương hiệu này. “Phát triển bền vững không còn là câu chuyện về tương lai hay xu hướng nữa, mà đã trở thành câu chuyện ở hiện tại của mỗi doanh nghiệp nói chung, ngành logistics nói riêng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Phát triển logistics xanh, bền vững luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, vì đây là xu hướng chung của toàn cầu. Ông Alexander Olsen, Phó chủ tịch Khối Vận tải quốc tế và thương mại, Tập đoàn ITL cho biết, doanh nghiệp này đang áp dụng các giải pháp cho phát triển bền vững bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời tại các kho, sử dụng phương tiện xe điện…

Riêng về việc đưa xe tải chạy bằng điện vào sử dụng, ông Alexander Olsencho biết, hiện các trạm sạc cho xe điện ở Việt Nam chưa phát triển, nên rất khó thực hiện điều này. Doanh nghiệp muốn xây dựng trạm sạc điện phải xin phép qua nhiều cơ quan, nhiều bước, nên việc phát triển trạm sạc điện cũng là một vấn đề trở ngại.

Trong bối cảnh chưa có xe tải chạy bằng điện, ông Alexander Olsencho đề xuất, với lợi thế về đường sông, đường biển trải dài, Việt Nam cần tăng cường sử dụng sà lan để vận chuyển hàng hóa, thì sẽ tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường so với vận tải bằng đường bộ.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

.
Bà Winnie Lam.
Để phát huy hết tiềm năng của ngành logistics


Bà Winnie Lam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam

Ngành logistics tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng trong những năm gần đây và dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế đang là ngôi sao sáng trong khu vực. Nhu cầu thuê kho bãi của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày càng lớn. Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại được ký kết, mang lại lợi thế tuyệt đối cho Việt Nam để nhiều doanh nghiệp cân nhắc làm điểm đến đầu tư tiếp theo. Việt Nam cũng có đường bờ biển trải dài hơn 3.260 km, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Các thách thức hiện tại của ngành logistics Việt Nam là hạn chế về cơ sở hạ tầng và các rào cản pháp lý. Các vấn đề này cần được giải quyết để phát huy hết tiềm năng của ngành logistics. Việt Nam nên hợp tác công - tư nhiều hơn để cải thiện kết cấu hạ tầng, đồng thời học hỏi từ các nước phát triển để phát triển tốt hơn ngành logistics. 

.
Ông Pritesh Samuel.
Triển vọng phát triển vượt bậc


Ông Pritesh Samuel, Giám đốc Nghiên cứu thâm nhập thị trường và Tư vấn chiến lược doanh nghiệp, Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates

Ngành logistics Việt Nam có triển vọng phát triển vượt bậc trong thời gian tới, khi hệ thống kho bãi đang dồn dập được mở rộng tại Việt Nam. Ngành hậu cần kho lạnh được dự báo đạt giá trị 295 triệu USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng 12% hằng năm. Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam dự báo đạt 15 tỷ USD vào năm 2025, được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực (chỉ sau Indonesia). Dịch vụ chuyển phát nhanh và logistics hướng tới thương mại điện tử là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng
.
Ông Edwin Chee.

Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam

Trong hai năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển chuỗi logistics, khi dòng vốn đầu tư vẫn đổ vào Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chứ không chỉ tập trung một khu vực hoặc một số tỉnh, thành phố. Đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét để cải thiện chuỗi cung ứng với nhiều nhà cung cấp cấp độ 2, cấp độ 3, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
“Cỗ máy” logistics còn phân tán và rời rạc
Dù được đánh giá là một trong những quốc gia có ngành logistics phát triển nhanh nhất thế giới khi đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 14 - 16%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư