Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Ngành logistics Việt Nam: Con đường phía trước không trải đầy hoa hồng
Lê Quân - 06/10/2023 08:40
 
Khi nền kinh tế phục hồi, đầu tư nước ngoài gia tăng, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu lấy lại đà tăng trưởng, tương lai của ngành logistics Việt Nam là con đường màu xanh. Tuy vậy, với nhiều điểm nghẽn, chắc chắn đó không phải là một con đường trải đầy hoa hồng.
Toàn cảnh Hội nghị Logistics 2023 do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức

Con đường triển vọng

Đó là quan điểm chung của cả cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong ngành về triển vọng của ngành logistics Việt Nam tại Hội nghị Logistics 2023 diễn ra hôm qua (5/10) tại TP.HCM, do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn kết với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, cũng như với phát triển hạ tầng giao thông - vận tải và công nghệ - thông tin... Chính vì thế, đây là một trong 12 nhóm ngành được Cộng đồng ASEAN, trong đó có Việt Nam, ưu tiên hỗ trợ phát triển.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, do tác động của đại dịch Covid-19 và biến động chính trị toàn cầu, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, song tình hình đang dần cải thiện tích cực. Quý III/2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,33%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Đây không phải là tốc độ tăng trưởng cao, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhiều nền kinh tế tăng trưởng thấp, thì vẫn là một kết quả đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định, khi nền kinh tế phục hồi, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu lấy lại được đà tăng trưởng, nhu cầu đối với các hoạt động logistics sẽ gia tăng mạnh mẽ. Hơn nữa, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế với các dự án quy mô lớn, không chỉ góp phần quan trọng gia tăng năng lực cho nền kinh tế, mà còn thúc đẩy thương mại hàng hóa, góp phần phát triển ngành logistics trong nước.

Đánh giá về triển vọng của ngành logistics Việt Nam , ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, con đường phía trước đầy triển vọng và hứa hẹn, khi logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo nhận định của Tổng Biên tập Báo Đầu tư, những chuyển biến theo hướng tích cực hơn cả về tốc độ tăng GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, cùng những tín hiệu khả quan về dòng vốn đầu tư nước ngoài, hiệu ứng ngày một tốt hơn của việc thực thi các hiệp định thương mại tự do và việc tăng tốc triển khai các dự án đầu tư công trong nước đang mang đến những hứa hẹn về các động lực thúc đẩy mới với thị trường logistics Việt Nam.

Dù con đường phía trước của ngành dịch vụ logistics Việt Nam nhiều triển vọng và hứa hẹn, nhưng chắc chắn đó sẽ không phải là một con đường đầy màu xanh. Tại Hội nghị, các doanh nghiệp trong ngành đã nêu ra hàng loạt điểm nghẽn đang cản trở ngành logistics phát triển.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group cho rằng, các điểm nghẽn hiện nay của ngành logistics là quy hoạch không theo sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chi phí logistics ở mức rất cao và hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Về hành lang pháp lý, logistics hiện nay rất rộng với nhiều khâu trong chuỗi cung ứng, vì vậy cần có chính sách riêng cụ thể, rõ ràng hơn để doanh nghiệp dễ thực hiện.

Đề cập những thách thức mà doanh nghiệp logistics sẽ gặp phải trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, các doanh nghiệp nước ngoài đang có sự chuyển đổi sang chuỗi cung ứng xanh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được, sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc chơi này.

Do vậy, doanh nghiệp cần thích ứng, xanh hóa vận tải, xanh hóa kho bãi. Ngoài ra, sự chuyển đổi số gắn với công nghệ tự động, công nghệ Al cũng là những thách thức cho doanh nghiệp logistics Việt Nam trong thời gian tới.

Định hình xu hướng

Chia sẻ về xu hướng của ngành logistics, ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty CEL cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đã thay đổi và sự đa dạng các nhà cung cấp sẽ là tương lai của ngành logistics. So với Ấn Độ - quốc gia đang rất quyết liệt để thu hút đầu tư nước ngoài, thì khả năng cạnh tranh của Việt Nam vẫn tương đối cao. Theo đó, mức thuế nhập khẩu ở Ấn Độ cao hơn so với Việt Nam, trong khi hạ tầng và giá nhân công là ngang bằng nhau. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế đa dạng chuỗi cung ứng, thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn lớn.

Trong khi đó, ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam đánh giá, trong 2 năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong phát triển chuỗi logistics. Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình sẽ thay đổi khi Việt Nam tiếp tục thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư hơn nữa. Việt Nam cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không chỉ tập trung ở một khu vực, một tỉnh, thành phố, mà phải đa dạng hóa để tạo thành chuỗi liên kết rộng khắp cả nước.

Một ví dự điển hình là các doanh nghiệp điện tử đầu tư vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào miền Trung, miền Bắc. Song khi thu hút nhiều dòng vốn, các khu vực này đang có dấu hiệu tắc nghẽn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp điện tử sẽ phải tìm kiếm nhiều khu vực, sớm dịch chuyển từ chỗ đông đúc sang các khu vực khác. “Vì vậy, để cải thiện chuỗi cung ứng, chúng ta cần nhiều nhà cung cấp với cấp độ 2, cấp độ 3”, ông Edwin Chee nhấn mạnh.

Nhằm cải thiện và đa dạng chuỗi cung ứng, bà Phạm Thị Bích Huệ cho rằng, doanh nghiệp cần hợp tác liên kết với nhau để gia tăng thị phần cho doanh nghiệp Việt Nam, nếu không sẽ bị mất miếng bánh vào tay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vốn nắm rất nhiều lợi thế về vốn, về mạng lưới phân phối toàn cầu, về công nghệ. “Doanh nghiệp trong nước cần bỏ tư duy ngắn hạn để liên kết với nhau, trở nên mạnh hơn trước khi mở rộng ra nước ngoài”, bà Huệ nhấn mạnh.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Quy hoạch tích hợp để hạn chế sự chồng chéo.

- Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành đang cố gắng tích hợp với quy hoạch của các địa phương để đồng bộ hơn. Hội đồng thẩm định quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thẩm định quy hoạch của tất cả các địa phương để tránh hiện tượng chồng chéo.

Từ chính sách đến thực tế của doanh nghiệp hiện còn khoảng cách khá lớn. Hội nghị Logistics năm 2023 là cơ hội để các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp gặp nhau, cùng bàn thảo, tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm đưa ngành logistics phát triển.

Hạ tầng đầy “ổ gà”.

- Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group

Quy hoạch hạ tầng thiếu sự đồng bộ, thiếu sự điều tiết từ cơ quan quản lý nhà nước đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành logistics. Đối với địa phương, quy hoạch hạ tầng còn mang tính hình thức, thiếu sự địa phương hóa theo đặc thù, thế mạnh của từng vùng, miền.

Việt Nam đang quá tập trung vào các vùng hạ tầng trọng điểm. Thời gian tới, định hướng phát triển hạ tầng cơ bản về cảng biển của Chính phủ sẽ tạo ra sức hút rất lớn trong hệ sinh thái đầu tư. Những vùng kinh tế còn thiếu sự quan tâm của đầu tư nước ngoài, chưa tạo được hiệu ứng đầu tư tốt thì nên mở rộng các hệ thống ICD (hệ thống nối dài của cảng biển) để thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta có hạ tầng cơ bản, tôi tin rằng, các “đại bàng” sẽ sớm về làm tổ, kể cả ở những vùng mới, chứ không chỉ là vùng trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Mở rộng ra nhiều thị trường mới.

- Ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping

Chuỗi cung ứng của Việt Nam, trong đó vận tải đường biển, cần mở rộng ra nhiều thị trường mới. Bên cạnh các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, thì Việt Nam có thể mở rộng sang thị trường Australia, Nam Mỹ và Địa Trung Hải… Đây là các thị trường mà Việt Nam chưa có các chuyến tàu, lộ trình. Vì vậy, vai trò của Nhà nước là rất lớn trong việc xây dựng mối quan hệ, các ưu đãi trong việc xuất nhập khẩu… với các thị trường mới, quốc gia mới cho ngành logistics.

Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung vào các cảng biển loại II, loại III như Quảng Bình, Long An, Phú Yên, Quảng Nam… Đây đều là những địa phương ghi nhận sự tăng trưởng mới. Tuy nhiên, các hãng tàu lại không muốn đến khu vực này, vì cơ sở hạ tầng chưa đủ, trong khi nhu cầu luôn luôn có.
Tăng tốc đầu tư hạ tầng để giảm chi phí logistics
Xây dựng hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics đồng bộ sẽ là “chìa khóa” để giảm chi phí logistics.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư