Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Động lực tăng trưởng cho ngành logistics
Pritesh Samuel (*) - 05/10/2023 14:35
 
Việt Nam đang nỗ lực nâng cao hiệu quả vận hành mạng lưới logistics tổng thể để có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Bài viết này tập trung phân tích những động lực và trở ngại trong việc phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Năng lực vận tải đường biển của Việt Nam đang được cải thiện, phục vụ hiệu quả cho hoạt động xuất nhập khẩu 	Ảnh: Lê Toàn
Năng lực vận tải đường biển của Việt Nam đang được cải thiện, phục vụ hiệu quả cho hoạt động xuất nhập khẩu        Ảnh: Lê Toàn

Tăng trưởng kinh tế ổn định tạo nền móng cho logistics phát triển

Logistics là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong những năm qua. Động lực cho sự phát triển này là nền kinh tế tăng trưởng ổn định, hoạt động sản xuất được đẩy mạnh và sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Mục tiêu phát triển đất nước trên cơ sở một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu là lý do khác giải thích tại sao hệ thống logistics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo thuận lợi cho thương mại. Minh chứng là, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam gần chạm mốc 500 tỷ USD.

Mạng lưới hàng không, hàng hải và đường bộ đóng góp chủ lực cho bức tranh vận chuyển hàng hóa. Năm 2022, hệ thống cảng biển Việt Nam vận chuyển khoảng 733,18 triệu tấn hàng hóa, tăng 4% so với năm 2021. Sản lượng container thông qua hệ thống cảng biển đạt khoảng 25,09 triệu TEU, tăng 5% so với năm 2021. Trước đó, trong năm 2021, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ đạt 1,2 tỷ tấn.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và sự trỗi dậy của Việt Nam như một trung tâm sản xuất của thế giới cũng mang đến cơ hội lớn cho các công ty logistics phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. 

Hàng hóa chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ, chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển; tiếp theo là đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt và đường hàng không.

Thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ giá trị thấp. Các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh mạnh mẽ với nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, thị trường logistics Việt Nam đang nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tới 3/4 tổng doanh thu toàn ngành).

Hơn 30 công ty cung cấp dịch vụ hậu cần quốc tế như DHL, FedEx, Maersk… đã có mặt tại Việt Nam. Về phía doanh nghiệp trong nước, có thể kể đến Vinalines, Petrovietnam Transport và Viettel Post… Các doanh nghiệp này cung cấp một số dịch vụ như chuyển phát nhanh và cho thuê kho bãi.

(*) Giám đốc Nghiên cứu thâm nhập thị trường và Tư vấn chiến lược doanh nghiệp, Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates
Pritesh Samuel, Giám đốc Nghiên cứu thâm nhập thị trường và Tư vấn chiến lược doanh nghiệp, Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates

Cơ hội rộng mở

Ngành logistics Việt Nam có triển vọng phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Thứ nhất, cơ hội phát triển hệ thống kho bãi và đơn vị phân phối đang mở rộng tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, thị trường rất cần hệ thống kho lưu trữ tích hợp các chức năng hiện có với các chức năng logistics khác như vận chuyển, quản lý hàng tồn kho, kho lạnh, hải quan và quản lý kho hàng. Khi nhu cầu dịch vụ logistics hỗ trợ thương mại ngày càng tăng cao, thì các dịch vụ này cũng tăng theo nhanh chóng.

Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số ngày càng phổ biến, nhưng tại Việt Nam vẫn thiếu các phần mềm như hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và hệ thống quản lý vận tải. Những hệ thống này rất quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng hiện đại, vì chúng có thể giúp tự động hóa việc thực hiện đơn hàng và gửi thành phẩm hoàn thiện tới tay người nhận.

Các gói phần mềm như WMS giúp xử lý các công việc thường ngày như chọn và đóng gói hàng hóa, mã vạch, thẻ nhận dạng bằng sóng vô tuyến (RFID) và cập nhật hồ sơ hàng tồn kho, đồng thời thực hiện việc đồng bộ hóa với hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp. Phần mềm này cũng giúp lập kế hoạch, thực hiện và tối ưu hóa quá trình phân phối.

Thứ ba, nhu cầu hậu cần kho lạnh ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đi kèm với nhu cầu vận chuyển thuốc men và các mặt hàng dễ hư hỏng như thực phẩm... Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được thực thi tạo động lực cho ngành thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kéo theo nhu cầu kho lạnh tăng cao. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ kho lạnh.

Theo Cushman & Wakefield, ngành hậu cần kho lạnh được dự báo đạt giá trị 295 triệu USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 12% hàng năm. Việt Nam đang rất thiếu cơ sở kho lạnh, chuỗi cung ứng lạnh và các dịch vụ liên quan, vì vậy, phân khúc thị trường này còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư.

Thứ tư, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực (chỉ sau Indonesia), do đó, nhu cầu hậu cần thương mại điện tử cũng sẽ gia tăng nhanh chóng.

Khách hàng và doanh nghiệp rất coi trọng tốc độ cũng như chất lượng giao hàng. Bởi vậy, một hệ thống hậu cần tốt để tạo thuận lợi cho tất cả các bên đóng vai trò rất quan trọng.

Với vị trí địa lý của Việt Nam, khả năng kết nối chặng cuối là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử trên cơ sở nhu cầu được giao hàng nhanh chóng của cả khách đặt hàng lẫn doanh nghiệp bán hàng.

Tốc độ tăng trưởng cao của ngành thương mại điện tử là cơ hội cho ngành logistics khai thác tiềm năng của thị trường. Dịch vụ chuyển phát nhanh và logistics hướng tới thương mại điện tử cũng là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Nhận diện thách thức

Một trong những thách thức lớn nhất mà ngành logistics Việt Nam phải đối mặt là hạ tầng chưa hoàn thiện. Khi khối lượng hoạt động kinh tế và thương mại đang tiếp tục tăng nhanh, cần có mạng lưới giao thông phát triển tốt, bao gồm đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng biển để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều khu vực ở Việt Nam vẫn thiếu hạ tầng hiện đại, điều này dẫn đến sự chậm trễ và kém hiệu quả trong quá trình vận hành hệ thống logistics.

Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng nước sâu ở Hải Phòng (khu vực phía Bắc) và TP.HCM (khu vực phía Nam)… được đầu tư xây dựng, nâng cấp đang cải thiện khả năng kết nối và giảm chi phí vận chuyển. Những dự án này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống logistics và thu hút thêm đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, thách thức không nhỏ đối với ngành logistics là chi phí dịch vụ vận tải và logistics tại Việt Nam còn cao. Giá nhiên liệu, phí cầu đường cao, giá cho thuê kho bãi đắt đỏ… góp phần đẩy chi phí chung của logistics tăng, khiến Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.

Trước thách thức này, các công ty logistics đang nghiên cứu và áp dụng các giải pháp sáng tạo như tối ưu hóa các tuyến vận chuyển, triển khai hệ thống quản lý hàng tồn kho hiệu quả và áp dụng các công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) để hợp lý hóa hoạt động và giảm chi phí.

Ngoài ra, ngành logistics cũng đang phải đối mặt với những thách thức do công tác quản lý với các quy định, thủ tục phức tạp. Các quy trình liên quan đến thủ tục hải quan, giấy phép và chứng từ còn rườm rà, gây mất thời gian, dẫn đến sự chậm trễ trong hoàn thiện thủ tục và tăng chi phí cho tất cả các bên.

Những thách thức này đang cản trở hiệu quả của hoạt động logistics và cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này.

Điểm đáng mừng là, Chính phủ đang thực hiện các bước đi cụ thể để giảm chi phí hậu cần như đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành chính sách thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào logistics, đồng thời đơn giản hóa các quy định, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Các sáng kiến như cơ chế Một cửa quốc gia và cơ chế Một cửa ASEAN đã được triển khai nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy các giao dịch không cần giấy tờ. Những nỗ lực này nhằm giảm thời gian và chi phí thực hiện các hoạt động logistics, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho thương mại và đầu tư.

Nhìn về phía trước, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành logistics Việt Nam vẫn sở hữu tiềm năng tăng trưởng và phát triển rất tốt. Các khoản đầu tư của Chính phủ cho phát triển hạ tầng và nỗ lực đơn giản hóa các quy trình, thủ tục được đánh giá là những bước đi đúng hướng.

Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và sự trỗi dậy của Việt Nam như một trung tâm sản xuất của thế giới cũng mang đến cơ hội lớn cho các công ty logistics phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Giải quyết thỏa đáng thách thức và tận dụng tốt cơ hội, ngành công nghiệp logistics ở Việt Nam có tiềm năng trở thành nhân tố chủ chốt trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.

(*) Giám đốc Nghiên cứu thâm nhập thị trường và Tư vấn chiến lược doanh nghiệp, Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates

VIMC phát triển chuỗi logistics bền vững
Hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải là 3 lĩnh vực cốt lõi được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tập trung phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư