Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Định kỳ 2 năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Khánh Linh - 14/11/2022 17:03
 
Tại phiên họp chiều 14/11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Trước khi thông qua toàn bộ Luật, các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua 3 điều về hành vi bạo lực gia đình; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy, có 465 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 93,37%. Như vậy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày với Quốc hội tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có 56 điều, có 5 nhóm điểm mới. 

,
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trong phiên chiều ngày 14/11

Một là, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (khoản 2 Điều 22).

Hai là, thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng: sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục (Điều 7, 13, 14 và Điều 15); rà soát, bổ sung nội dung tư vấn, bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với người thực hiện tư vấn ở cộng đồng (Điều 16); sửa đổi quy định về hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành chính hoặc hình sự (Điều 17, 18);

Bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình (Điều 19, 20); bổ sung quy định về sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình (Điều 21). 

Ba là, sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn: bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình (Điều 24); bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, đơn giản hóa thủ tục (Điều 25, 26);

Bổ sung quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc (Điều 27); bổ sung biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình (Điều 31); bỏ điều kiện “đã được Tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải”, điều chỉnh độ tuổi của người có hành vi bạo lực gia đình và quy định các trường hợp bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư (Điều 32); bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33); bổ sung quy định để bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình (Điều 34).

Bốn là, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả: quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 35), cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 40);

Bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 42), cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 43), phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 44), bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 45).

Năm là, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình: bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (khoản 1 Điều 47);

Bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thống kê và quản lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình (khoản 5 Điều 48); bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế trong bồi dưỡng nhân viên y tế thực hiện tư vấn, chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình; trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong hướng dẫn cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hướng dẫn cơ sở giáo dục phát hiện, hỗ trợ người học bị bạo lực gia đình, bổ sung trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ… (Điều 49);

Bổ sung quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức, thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương (Điều 50); bổ sung trách nhiệm của Công an xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình (các Điều 20, 24, 27, 29 và 32).

Điều 47. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; định kỳ 02 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và điều phối liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện công tác thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm quản lý của mình và gửi kết quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm quản lý của mình và gửi kết quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nguồn: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Phòng chống bạo lực gia đình: Cứ lôi hết ra ánh sáng có được không?
Góp ý Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, đại biểu Trần Công Phàn nhắc đến truyền thống "đóng cửa bảo nhau" của người Việt,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư