Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Định kỳ tổ chức Diễn đàn đối tác Tam giác phát triển CLV
Hoàng Mai - 13/09/2014 14:05
 
() Tăng cường tổ chức các diễn đàn đối tác phát triển và tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng đã được thống nhất tại Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 9 Khu vực Tam giác Phát triển Camphuchia - Lào - Việt Nam (CLV) vừa diễn ra ngày 12/9 tại TP Siem Reap (Campuchia).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hiện thực hóa tiềm năng khu vực Tam giác phát triển CLV
Lộ diện đối thủ cạnh tranh mới về thu hút FDI
Khơi dậy tiềm năng phát triển Tam giác CLV

Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Điều phối chung ba nước đã thẳng thẳn nhìn nhận những yếu kém về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, những hạn chế về nguồn ngân sách, vốn đầu tư phát triển và đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực kinh tế tư nhân, cũng như những chính sách chưa nhất quán trong Tam giác phát triển CLV đã khiến cho khu vực có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và sinh thái này không thể đạt mức độ phát triển tương đồng với tốc độ chung của ba nước.

  Chủ tịch Ủy ban Điều phối Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh  
  Chủ tịch Ủy ban Điều phối Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh  

Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đề xuất và nhận được sự đồng thuận về việc tổ chức các diễn đàn đối tác phát triển luân phiên tại ba nước CLV hai năm một lần.

Diễn đàn đối tác phát triển cho Tam giác phát triển CLV lần đầu tiên đã được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 4/2014 với sự tham dự của 170 đại biểu các bộ ngành, 13 địa phương trong khu vực Tam giác phát triển và các đối tác phát triển bao gồm ADB, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đối với nguồn vốn viện trợ phát triển ODA, cho đến nay mới có khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 20 triệu USD của Chính phủ Nhật Bản dành cho Tam giác phát triển CLV, tập trung chủ yếu vào các dự án quy mô nhỏ để nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học và trạm y tế trong khu vực.

“Bên cạnh việc tăng cường kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển, trong thời gian tới, ba nước cần triển khai xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực trồng, chế biến và xuất khẩu cao su trực tiếp cho các hãng ô-tô hàng đầu thế giới. Phía Việt Nam cũng đã cam kết sẽ tổ chức các đoàn khảo sát và chia sẻ kinh nghiệm cho phía Campuchia và Lào tới các dự án trồng và chế biến cao su điển hình của Việt Nam”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Khu vực Tam giác phát triển CLV được ba Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập từ năm 2004 với 13 tỉnh bao gồm Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratie thuộc miền đông Campuchia, Attapu, Salavan, Xekong và Champasak thuộc miền nam Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Bình Phước ở Việt Nam. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 144.000 km2 và tổng dân số năm 2013 là trên 7 triệu người, khu vực này là vùng cao nguyên rộng lớn với nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

  Giai đoạn 2011-2013, tốc độ tăng trưởng GDP của Tam giác phát triển CLV trung bình đạt khoảng 10%/năm  
  Giai đoạn 2011-2013, tốc độ tăng trưởng GDP của Tam giác phát triển CLV trung bình đạt khoảng 10%/năm  

Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, trong giai đoạn 2011-2013, tốc độ tăng trưởng GDP của Tam giác phát triển CLV trung bình đạt khoảng 10%/năm, trong đó bốn tỉnh thuộc Campuchia đạt trên 10%/năm, các tỉnh của Lào khoảng 14%/năm và các tỉnh của Việt Nam đạt trên 9%/năm. 

Do điểm xuất phát thấp và quy mô kinh tế còn nhỏ so với mỗi nước, nên GDP/người năm 2013 trong Tam giác phát triển CLV đạt 1.340 USD, bằng 76,6% so với mức bình quân chung của ba nước, trong đó, bốn tỉnh của Campuchia đạt 750 USD, bằng 72% so với bình quân cả nước, bốn tỉnh của Lào đạt 1.380 USD bằng 92% và 5 tỉnh của Việt Nam đạt 1.415 USD, bằng 74,5%.

Về đầu tư trực tiếp vào khu vực Tam giác phát triển CLV, tính đến cuối năm 2013, Việt Nam đã có 37 dự án đầu tư nằm trong các tỉnh Tam giác phát triển thuộc Campuchia với tổng vốn đầu tư là 2,02 tỷ USD (chiếm 29,4% số dự án và 68% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia), và các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thủy điện. Đối với các tỉnh Tam giác phát triển thuộc Lào, Việt Nam đã đầu tư 60 dự án với tổng số vốn 2,15 tỉ USD, chiếm 26% tổng số dự án và 47,6% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào, và các dự án tập trung chủ yếu vào trồng cao su và cây lấy gỗ, khai khoáng, công nghiệp chế biến và sản xuất điện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư