Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đô la Mỹ suy yếu, cổ phiếu ô tô Nhật Bản trượt chân
Lê Quân - 18/11/2020 22:00
 
Chứng châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận biến động trái chiều vào cuối ngày giao dịch 18/11 khi nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước tình trạng lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng.
Chứng khoán Nhật Bản vẫn giảm điểm trong ngày giao dịch 18/11 dù kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 10 tốt hơn kỳ vọng. Ảnh: AFP
Chứng khoán Nhật Bản vẫn giảm điểm trong ngày giao dịch 18/11 dù kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 10 tốt hơn kỳ vọng. Ảnh: AFP

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng biến động trái chiều trong ngày giao dịch 18/11. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,22% lên 3.347,30 điểm trong khi Shenzhen Component trượt 0,54% xuống 13.658,20 điểm. Sắc xanh trên thị trường Hong Kong được duy trì đến cuối phiên khi chỉ số Hang Seng nhích lên 0,25%.

Chứng khoán Nhật Bản vẫn nhuốm đỏ mặc dù kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 10 vượt kỳ vọng. Chỉ số Nikkei 225 vẫn mất 1,10% và đóng cửa với 25.728,14 điểm, còn Topix trượt 0,81% xuống 1.720,65 điểm.

Theo công bố của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu của nước này trong tháng 10 giảm 0,2%, thay vì giảm 4,5% như các chuyên gia kinh tế dự báo với Reuters trước đó. Trong tháng 9, xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm tới 4,9%.

Hãng tin Reuters đưa tin, xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 10 được vực dậy nhờ nhu cầu của Trung Quốc và Mỹ về ô tô Nhật Bản tăng cao, khiến các lô hàng xuất khẩu ô tô của Nhật Bản tăng mạnh.

Tuy kim ngạch xuất khẩu ô tô có tăng lên nhưng cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô vẫn giảm điểm trên diện rộng. Cổ phiếu Mitsubishi Motor trượt sâu gần 5% trong khi cổ phiếu Honda và Toyota lần lượt mất 3,78% và 1,61%.

Cổ phiếu của tập đoàn công nghệ SoftBank (Nhật Bản) sụt giảm 0,91% sau khi CEO SoftBank Masayoshi Son cho biết ông đã mạnh tay bán tài sản trong năm nay để chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất" khi thế giới tái thiết lập phong tỏa trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai.

Trái lại, thị trường chứng khoán Hàn Quốc khởi sắc với chỉ số Kospi lên điểm 0,26% và khép lại ngày giao dịch với 2.545,64 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia ghi nhận mức tăng 0,51% lên 6.531,10 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn tăng 0,42%.

Theo Reuters, thông tin đầu tư đáng chú ý trên thị trường châu Á là việc Tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan khai trương nhà máy sản xuất màn hình trị giá 26 triệu USD ở miền bắc Việt Nam. Sau thông tin này, cổ phiếu Foxconn hôm nay tăng gần 1%.

Chứng khoán Mỹ đêm qua "đỏ lửa" khi thị trường hạ nhiệt dần. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 167,09 điểm, tương đương 0,6%, còn 29.783,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,5% xuống 3.609,53 điểm trong khi Nasdaq Composite trượt nhẹ 0,2% xuống 11.899,34 điểm.

"Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua im ắng do số ca mắc Covid-19 tăng lên đã làm suy giảm triển vọng tích cực lâu dài mà kết quả thử nghiệm vaccine kháng Covid-19 mang lại. Biến động thị trường đêm qua cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang suy yếu và chi tiêu bán lẻ cũng sụt giảm", Rahul Khare, chuyên gia nghiên cứu tại ANZ bình luận.

Đầu tuần này, chứng khoán Phố Wall liên tiếp cán mốc mới sau khi Công ty công nghệ sinh học Moderna và hãng dược Pfizer công bố kết quả thử nghiệm vaccine kháng Covid-19 lạc quan hơn dự kiến. Thế nhưng, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng tại Mỹ đã làm giảm sự lạc quan vào kết quả thử nghiệm vaccine. Phân tích của CNBC dựa trên dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày trong 7 ngày qua của Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 150.000 vào ngày 16/11.

Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 17/11 cảnh báo rằng sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 là mối đe dọa tới sự phục hồi kinh tế Mỹ vốn vẫn còn "một chặng đường dài phía trước".

Hơn nữa, doanh số bán lẻ đáng thất vọng của Mỹ trong tháng 10 càng đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 10 của nước này chỉ tăng 0,3%, thấp hơn mức tăng 0,5% mà các chuyên gia kinh tế dự báo với Reuters.

Thị trường tiền tệ hôm 18/11 chứng kiến đồng bạc xanh suy yếu. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác chiều nay giảm mạnh từ mức 92,6 thiết lập đầu tuần về 92,278.

Bà Kathy Lien, Giám đốc điều hành chiến lược ngoại hối tại Quỹ quản lý tài sản BK Asset Management, cho rằng "nhu cầu đô la Mỹ sẽ bị hạn chế bởi lo ngại tái áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động kinh doanh". Đồng yên Nhật Bản chiều nay nhích giá lên 103,85 JPY/USD, so với mức 104,5 JPY/USD, trong khi đô la Australia giữ giá quanh mức 1 AUD/0,7308 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á chiều 18/11 quay đầu sau đà giảm trước đó. Dầu thô giao sau của Mỹ nhích giá 0,14% lên 41,49 USD/thùng, còn dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 0,46% lên 43,95 USD/thùng.

Chứng khoán Nhật Bản giữ đà tăng nhờ hy vọng về vaccine Covid-19
Cổ phiếu hàng không tại châu Á lại tăng vọt nhờ hy vọng về vaccine kháng Covid-19, trong khi thị trường khu vực khép lại ngày giao dịch 17/11 với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư