Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp bưu chính “vượt bão” cạnh tranh
Hữu Tuấn - 29/12/2022 08:59
 
Cạnh tranh khốc liệt về giá đã khiến doanh thu, lợi nhuận của ngành bưu chính tăng trưởng chậm lại trong năm 2022.

Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng nhẹ

Báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, doanh thu dịch vụ toàn ngành bưu chính năm 2022 ước đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021, vượt khoảng 2,5% kế hoạch đề ra.

Lũy kế số tài khoản được active trên 2 sàn thương mại điện tử PostMart và VoSo đến tháng 11/2022 đạt 7,5 triệu tài khoản, tăng gấp 7 lần so với năm 2021. Lũy kế số lượng giao dịch trên 2 sàn PostMart và VoSo đến tháng 11/2022 đạt 1.289.439 giao dịch, tăng 16 lần so với năm 2021.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào hai “cánh chim đầu đàn” của ngành bưu chính sẽ thấy sự suy giảm về doanh thu và lợi nhuận. Tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), năm 2022 đạt doanh thu khoảng 24.426 tỷ đồng, chỉ bằng 73,1% kế hoạch mà Bộ TT&TT giao và bằng 93,7% thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của VNPost dự kiến cả năm 2022 đạt 550 tỷ đồng, bằng 91,7% kế hoạch Bộ TT&TT giao và bằng 86,9% thực hiện năm 2021. Được biết, VNPost từng đặt mục tiêu doanh thu 33.396 tỷ đồng trong năm 2022.

Trước đó, năm 2021, VNPost đạt hơn 26.600 tỷ đồng doanh thu, tổng lợi nhuận đạt hơn 700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 900 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 6,12%.

Còn tại Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), năm 2022 đạt tổng doanh thu khoảng 21.235 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 389,44 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, Viettel Post ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 21.452 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 295,89 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, ngành bưu chính chuyển phát năm 2022 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm giá, khuyến mại, chiết khấu để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, thậm chí dưới giá thành, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

“Số lượng doanh nghiệp bưu chính mới ra nhập thị trường tăng 12%, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Chất lượng dịch vụ bưu chính chuyển phát, đặc biệt là chuyển phát cho thương mại điện tử, được cải thiện nhờ ứng dụng công nghệ, song còn hiện tượng hàng lậu, hàng cấm được gửi qua đường bưu chính”, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá.

Năm 2022 tiếp tục là năm chật vật của các doanh nghiệp bưu chính Việt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng thị trường của các công ty chuyển phát xuyên biên giới. Nhóm doanh nghiệp này không ngừng mở rộng đại lý nhượng quyền, đầu tư hạ tầng, giảm giá vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh giành thị phần. Nhóm các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nhượng quyền thương mại phát triển mạnh trong năm qua gồm: BEST Express, J&T Express, Kerry Express, Shopee Express, Lazada Express, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Ninjavan, Ahamove…

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hiện Việt Nam có hơn 800 doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực bưu chính. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do doanh thu dịch vụ giảm, do nhu cầu khách hàng thay đổi. Bên cạnh đó, giữa các doanh nghiệp cũng có sự cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến thị trường chung.

Xử phạt nặng hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Trước những khó khăn trên, Bộ TT&TT cũng đề xuất phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan để thực thi nghiêm các quy định của Luật Cạnh tranh đối với các doanh nghiệp bưu chính, xử phạt nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, bán dưới giá thành, khuyến mại vượt quá thời gian theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi điều kiện cấp phép đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bưu chính và chất lượng dịch vụ bưu chính, đảm bảo an toàn, an ninh bưu gửi.

Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện vi phạm của các doanh nghiệp bưu chính nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tập trung đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp, kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chuẩn cần thiết. Nghiên cứu, học tập những kinh nghiệm quốc tế phù hợp trong lĩnh vực bưu chính để áp dụng tại Việt Nam, để bưu chính Việt Nam hội nhập sâu, rộng với bưu chính thế giới.

Về phía doanh nghiệp, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc VNPost cho hay, năm 2023,  VNPost sẽ mở rộng không gian kinh doanh, cung cấp các dịch vụ có tính đột phá, dẫn dắt thị trường. Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số, Tổng công ty cũng sẽ tập trung hiện đại hóa hạ tầng vật lý, triển khai mô hình kinh tế chia sẻ phục vụ nhu cầu phát triển kinh doanh, nâng tầm quy mô hạ tầng mạng lưới. Đặc biệt, tiếp tục mở rộng, tham gia sâu rộng lĩnh vực hành chính công, cải cách thủ tục hành chính, khẳng định vai trò của Bưu điện Việt Nam trong triển khai chính phủ điện tử.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong năm 2023, Viettel Post dự kiến đầu tư băng chuyền chia chọn tại Hà Nội, TP.HCM và đầu tư từ 100 đến 200 xe vận chuyển Bắc - Nam; nghiên cứu, đưa vào kinh doanh thử nghiệm dịch vụ kho lạnh, dịch vụ lưu kho và thông quan tại cửa khẩu. Viettel Post sẽ tiếp tục tối ưu luồng vận hành, hạ tầng kết nối, hạ tầng công nghệ nhằm rút ngắn thời gian toàn trình của bưu phẩm với mục tiêu cung cấp dịch vụ nội tỉnh 6 - 12 giờ; dịch vụ nội vùng 12 - 24 giờ.

“Song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ cốt lõi là chuyển phát trong nước và quốc tế, Viettel Post sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để trở thành doanh nghiệp chuyển phát số một Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao”, đại diện Viettel Post thông tin.

Ngành bưu chính “vượt bão”, cán mốc 37.000 tỷ đồng
Năm 2021, ngành bưu chính Việt Nam đã có năm chống chọi với dịch bệnh, vượt khó thành công với mức doanh thu 37.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư