Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam
- 16/01/2024 16:35
 
Dù kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phức tạp nhưng các doanh nghiệp châu Âu tin rằng, kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng phục hồi và độ linh hoạt cao.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Gabor Fluit, cho biết dấu hiệu rõ nhất cho niềm tin này là sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng thông báo gần đây của Nestlé Việt Nam về kế hoạch mở rộng có trị giá 100 triệu USD.

“Điều này nhấn mạnh niềm tin tưởng của châu Âu đối với Việt Nam”, ông Gabor Fluit chia sẻ tại sự kiện ra mắt Sách Trắng thường niên lần thứ 15 do EuroCham tổ chức.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cũng dự đoán trong năm 2024, môi trường kinh tế Việt Nam có thể sẽ đối diện những thách thức như xuất khẩu và nhập khẩu bị chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những khó khăn khác không lường trước được.

“Khi Việt Nam đối mặt với những thách thức và cơ hội hiện tại, các chính sách thích ứng sẽ là yếu tố then chốt. Bằng cách thường xuyên điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cảnh đang phát triển, Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội trong tương lai”, ông Gabor Fluit khẳng định.

Với 24 chương thuộc các lĩnh vực khác nhau, Sách Trắng năm nay đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm khuyến khích các ưu tiên đầu tư và thương mại để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Nội dung trong sách cung cấp những cái nhìn sâu sắc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thị trường châu Âu.

Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, Sách Trắng gợi ý Việt Nam cần có chính sách bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong trường hợp công ty phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Theo đó, cần ban hành các quy định của pháp luật với các tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể liên quan đến năng lực tài chính của các chủ đầu tư dự án bất động sản, đồng thời quy định đảm bảo hợp đồng bảo lãnh ngân hàng là bắt buộc đối với chủ đầu tư bất động sản trước khi mở bán căn hộ.

Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, Sách Trắng đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đang trong thời khắc vô cùng quan trọng để nâng cấp và tìm kiếm giải pháp thay thế các hình thức canh tác cũ. Tại EU, hình thức nông nghiệp sinh thái đang dần được áp dụng và đây là một định hướng mà Viêt Nam có thể tham khảo. Để đạt được điều này, Sách Trắng khuyến nghị Việt Nam giảm sử dụng thuốc trừ sâu, khuyến khích áp dụng nông nghiệp sinh thái, khuyến khích canh tác hữu cơ, cung cấp hỗ trợ tài chính và tăng cường các nỗ lực nghiên cứu và chính sách. 

Bên cạnh đó, Sách Trắng vạch ra các chiến lược trong những lĩnh vực mang tính thời sự như công nghiệp thiết bị bán dẫn, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh hướng tới bảo vệ môi trường, xử lý rác thải,…

Chia sẻ thêm, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho rằng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã củng cố quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu, thúc đẩy luồng đầu tư và thương mại. Mặc dù có sự tiến triển này, tiềm năng đầy đủ của hiệp định vẫn chưa được cả hai bên khai thác triệt để, đòi hỏi Việt Nam cần phải cải thiện các chiến lược, chính sách và quan hệ đối tác cùng có lợi.

"Sách Trắng cung cấp một khuôn khổ hợp tác chiến lược để thực hiện điều đó. Điều cốt lõi là thông qua các giải pháp hợp tác và hướng tới tương lai này, chúng ta mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA", Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nói.

Về cải cách quy định, thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, (Văn phòng Chính phủ) cho biết, năm 2023, năm 2023, 628 quy định kinh doanh đã được cắt giảm tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2024, ít nhất 20% thủ tục hành chính nội bộ và 20% chi phí tuân thủ sẽ được cắt giảm, đơn giản hoá. Đến 2025, mục tiêu hoàn thành phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực.

Ông Phan đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tạo rào cản, định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ - cơ quan thường trực Tổ công tác và hội đồng tư vấn, để các bên cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

TP.HCM giảm lợi thế thu hút FDI vì thủ tục hành chính
TP.HCM đang giảm lợi thế trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì thủ tục đầu tư kéo dài, nhiều vướng mắc chậm được giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư