Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp có nên "cố đấm ăn xôi", níu giữ ngành nghề từng hốt bạc?
Nhã Nam - 18/06/2016 08:20
 
Cạnh tranh gay gắt, kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải buông bỏ nhiều mảng kinh doanh đã một thời mang đến lợi nhuận và danh tiếng cho họ. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn muốn “cố đấm ăn xôi”, liệu có phải là một chiến lược đúng đắn?

Thông tin được công bố từ giữa tháng trước, đó là Tập đoàn Microsoft đã quyết định bán mảng điện thoại truyền thống của mình cho FIH Mobile Ltd., thuộc Tập đoàn Công nghệ Hon Hai/ Foxconn, và HMD Global, Oy. Giá trị của thương vụ là 350 triệu USD.

Công bố chính thức là như vậy, còn trên thực tế, điều này đã được dự báo trước, khi mảng kinh doanh này đã không còn mang lại nhiều lợi nhuận cho hãng nữa. Vì kinh doanh khó khăn, Microsoft buộc phải “buông tay”.

Chủ đề của chương trình CEO kỳ này là doanh nghiệp hội nhập - Chiến lược công ty.
Chủ đề của chương trình CEO kỳ này là Doanh nghiệp hội nhập - Chiến lược công ty.

Câu chuyện cũng không khác là mấy, hồi đầu năm nay, tên tuổi lừng danh một thời Yahoo sau khi công bố lỗ tới 4,43 tỷ USD trong quý cuối năm ngoái, cũng đã cho biết, họ đang thực hiện “một kế hoạch chiến lược tích cực để đơn giản hóa công ty, thu hẹp các mảng cốt lõi, tập trung vào thế mạnh để thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn”.

Đến các “đại gia” còn như vậy, huống chi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù “đau”, nhưng khi kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải buông bỏ những “mảng miếng” không đem lại lợi nhuận nữa.

Chuyện xảy ra ở một doanh nghiệp truyền thông đã có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội và phát triển thương hiệu với nhiều mảng hoạt động khác nhau, như tư vấn chiến lược thương hiệu và truyền thông, tổ chức sự kiện, truyền thông online... Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông hiện đại, doanh nghiệp đã rất nỗ lực để cho ra đời các sản phẩm, dịch vụ bắt kịp xu hướng của thị trường và đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, mọi việc đang diễn ra tốt đẹp thì bất ngờ giám đốc chiến lược truyền thông và thương hiệu nghỉ việc, kéo theo hầu hết các nhân sự chủ chốt trong bộ phận nghỉ theo. Hóa ra, người giám đốc này cùng các nhân sự trong bộ phận bị một công ty đối thủ đến từ nước ngoài dùng lương thưởng hậu hĩnh để lôi kéo họ về làm việc. Việc này đã khiến doanh nghiệp bị hổng mất mảng kinh doanh quan trọng hàng đầu đang mang lại uy tín và lợi nhuận, ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển công ty.

Biến cố này đã buộc Hội đồng Quản trị công ty, trong đó có CEO (cũng là một cổ đông) phải cùng ngồi lại bàn bạc với nhau để lựa chọn lại định hướng chiến lược cho công ty.

CEO thì cho rằng, khi toàn bộ nhân sự chủ chốt mảng tư vấn chiến lược được gây dựng và đào tạo trong 10 năm đã mất, thì mảng kinh doanh này không còn cơ sở tồn tại. Vì vậy, công ty cần dứt bỏ mảng kinh doanh này để tập trung phát triển những mảng còn lại, đồng thời tìm thêm mảng kinh doanh khác phù hợp để phát triển.

Trong khi đó, các cổ đông lại cho rằng, tư vấn chiến lược là mảng kinh doanh then chốt làm trụ cột cho các mảng khác. Đây là mảng nghiệp vụ doanh nghiệp đã gây dựng từ đầu, mất rất nhiều thời gian, công sức và đã phát triển thành công. Vì vậy, không thể dễ dàng buông tay, mà phải kiên quyết giữ và khẩn trương tìm kiếm nhân sự, cho dù phải gây dựng lại từ đầu đội ngũ nhân sự mảng kinh doanh này.

Cũng dễ hiểu vì sao CEO đưa ra nhận định như vậy, vì trong kinh doanh dịch vụ, con người có vai trò cực kỳ quan trọng. Mất đi nguồn lực cốt lõi, thật khó để doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi mảng kinh doanh tư vấn chiến lược.

Phải lựa chọn thế nào cho đúng? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, bởi nó liên quan đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp, đến sự tồn tại và phát triển trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình huống như vậy, và đang loay hoay tìm câu trả lời, buông bỏ hay đi tiếp. Vì lý do đó, Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này đã quyết định chọn chủ đề chính là Doanh nghiệp hội nhập - Chiến lược công ty, với tình huống giả định tại doanh nghiệp truyền thông nói trên, với mong muốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tìm lối thoát cho mình.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt, Chi nhánh Hoài Đức và Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Tây Đô là người ngồi ở vị trí CEO trong chương trình lần này.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Tập đoàn Cao su Việt Nam muốn bổ sung ngành nghề chính
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không chỉ muốn trồng, chế biến cao su.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư