Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp dệt may tăng tốc đầu tư năm 2015
Thế Hải - 07/01/2015 09:36
 
Về đích với kim ngạch xuất khẩu gần 25 tỷ USD trong năm 2014, năm 2015 lại được xem là một năm đầy triển vọng với ngành dệt may, khi những dự định cho năm mới đã được nhiều doanh nghiệp vạch ra từ đầu quý IV/2014.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dệt may đón vốn FDI
Dệt may khai phá thị trường Myanmar
Dệt may ngoại nôn nóng đón sóng TPP

Cuộc chạy đua của bộ phận lớn doanh nghiệp dệt may nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã rất rõ ràng. Giai đoạn 2013-2015 được nhiều doanh nghiệp xác định là giai đoạn đầu tư tổng lực.

Doanh nghiệp dệt may tăng tốc đầu tư năm 2015
Năm 2015 lại được xem là một năm đầy triển vọng với ngành dệt may, với nhiều dự định cho năm mới

1.500 tỷ đồng là khoản vốn đầu tư trong hai năm 2014 và 2015 của Tổng công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cho các dự án sản xuất hàng dệt kim, sợi và may mặc để nhân rộng năng lực cung ứng hàng may mặc xuất khẩu. Trong đó, riêng năm 2014, Hanosimex giải ngân được 800 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Song Hải, Tổng giám đốc Hanosimex cho biết, kế hoạch hình thành chuỗi liên kết sản phẩm trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, lợi ích của cổ đông tại Tổng công ty đang đi đúng hướng. Một loạt các dự án lớn với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao… đã được đơn vị triển khai với thời gian thi công ngắn nhất.

Để cán đích dấu mốc doanh thu 1 tỷ USD, Ban lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Phong Phú (Phong Phú Corp) cho biết, Công ty sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất cho ngành dệt nhuộm với các sản phẩm chủ lực như dệt kim, vải jeans, sợi chỉ may...

Việc đầu tư sẽ được tập trung thực hiện trong vòng 3 năm 2015-2017 để nâng cao năng lực cạnh tranh và cung cấp nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may trong nước, nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định thương mại song phương (FTA) với 2 đối tác quan trọng của ngành dệt may là EU và Hàn Quốc.

Một trong những dự án lớn sẽ được triển khai ngay đầu năm 2015 là Dự án Mở rộng một dây chuyền sản xuất dệt kim tại Nha Trang với vốn đầu tư 400 tỷ đồng và Dự án Đầu tư sản xuất vải denim với số vốn đầu tư 860 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM).

“Để tối ưu hóa các lợi thế về khách hàng và thị trường, khâu đầu tư mở rộng năng lực sản xuất phải triển khai càng nhanh càng tốt”, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Phong Phú Corp nói và cho biết, UBND TP.HCM đã đồng ý để Phong Phú Corp và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn xây dựng hạ tầng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân để phục vụ Dự án Đầu tư sản xuất vải denim cùng hàng loạt dự án liên quan sẽ triển khai trong thời gian tới.

“Khi TPP và các FTA với EU, Hàn Quốc… có hiệu lực, những doanh nghiệp dệt may chủ động được khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm sẽ có cơ hội giành được đơn hàng giá trị cùng ưu đãi về thuế suất giảm về 0%. Đây là lý do để Phong Phú Corp không thể trì hoãn lâu hơn các dự án đầu tư nguyên phụ liệu”, ông Trình cho biết thêm.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng tiết lộ, nhu cầu vốn đầu tư từ quý IV/2014 đến hết năm 2020 của TNG sẽ lên tới hơn 2.276 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2015 là 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG khẳng định, kế hoạch đầu tư của TNG thời gian tới nằm trong chiến lược đón đầu cơ hội khi Việt Nam ký kết TPP. Theo đó, TNG sẽ đầu tư tăng tỷ lệ nội địa hóa, trước mắt, đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất bông, thay vì chỉ có một dây chuyền như hiện nay.

Đầu tư lớn để tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại, nhưng các doanh nghiệp dệt may đều khẳng định không lệ thuộc vào TPP, hay FTA với EU, Hàn Quốc…, mà đầu tư là một phần tất yếu để doanh nghiệp trưởng thành. Tuy vậy, với những lợi thế nội tại và những kỳ vọng từ các hiệp định thương mại tự do, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội thay đổi cả về chiều sâu và chiều rộng, khi cuộc đua đầu tư của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư