Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch bình tâm trước TPP
Hải Hà - 10/01/2016 08:15
 
Theo các nội dung đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được công bố, mở cửa lĩnh vực dịch vụ sẽ không phân biệt đối xử, bao gồm không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau và không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều công ty du lịch lớn không tỏ ra quá lo lắng về điều này.

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch và Thể thao Việt Nam (Vietrantour) kỳ vọng TPP sẽ đem lại sự gia tăng dòng du khách quốc tế, cũng như tăng cường mật độ và quy mô các loại hình du lịch - kinh doanh, du lịch - hội họp ngay trong nội khối TPP, khi điều kiện đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước TPP được nới lỏng.

Theo ông Năng, việc các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam luôn đem lại cơ hội cho ngành du lịch. Du khách quốc tế sẽ được làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết về nhập cảnh trong khuôn khổ TPP.

.
.

Doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể đón nhận nhiều thời cơ để gia tăng nguồn vốn, tăng cường quy mô hoạt động kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu, khảo sát, vận hành nhiều sản phẩm du lịch thông qua hình thức liên doanh, tiếp nhận vốn đầu tư từ doanh nghiệp, nhà đầu tư các nước thành viên nội khối TPP.

Cùng quan điểm trên, bà Hà Diệu Huyền, phụ trách marketing và truyền thông Khách sạn Metropole Hà Nội tỏ ra khá lạc quan. Theo bà Huyền, dòng khách hạng sang sẽ gia tăng khi họ tới tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Đây chính là dòng khách chủ đạo khiến khối khách sạn và resort cao cấp được hưởng lợi thời gian tới. 

Nhìn ở góc độ khác, đại diện Công ty du lịch Vietrantour hy vọng, quá trình thực hiện TPP sẽ khiến các cơ quan quản lý rà soát lại toàn bộ khung pháp luật hiện hành để điều chỉnh, tạo điều kiện cho môi trường đầu tư, cạnh tranh lành mạnh. Quá trình này sẽ khắc phục nạn công ty du lịch “ma”, kém chất lượng lộng hành.

Trước lo ngại về việc khi TPP có hiệu lực sẽ càng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp du lịch nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, khiến các doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng cạnh tranh gay gắt, nhiều chuyên gia ngành du lịch cho rằng, tuy là thách thức, nhưng cũng là điều kiện để doanh nghiệp chúng ta thay đổi phương thức làm ăn. Thách thức không có nghĩa là không vượt qua, tuy rằng cạnh tranh gắt gao, nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn có thể trụ vững. Quá trình này như một bộ lọc giúp giữ lại những doanh nghiệp khỏe. 

Các chuyên gia cũng khuyến cáo cơ quan nhà nước phải quản lý chặt doanh nghiệp nước ngoài. “Vấn đề cần phải bàn là cơ quan nhà nước quản lý thế nào với lợi nhuận họ thu về. Câu chuyện các doanh nghiệp FDI chuyển giá tại Việt Nam là bài học đắt giá trong quản lý. Do đó, các cơ quan thuế phải học hỏi các nước khác để thu đúng thu đủ, tránh tình trạng những doanh nghiệp này thu lợi nhuận, cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt song không nộp thuế”, ông Lê Công Năng nói.

Làm gì khi AEC đã ở ngay ngưỡng cửa
Nửa tháng nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức mở cửa. Nhưng lo lắng về việc tận dụng tối đa các cơ hội từ AEC vẫn đang được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư