Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hội nhập: Ai quyết định vận mệnh của chúng ta?
Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra sự thúc ép cần thiết, song chính chúng ta mới là người tự chọn vận mệnh của mình.

Rào cản nào đáng ngại nhất khi hội nhập?

Sau hai hiệp định có tính khơi nguồn là Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (2001) và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (2006), đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết hơn 10 hiệp định thương mại (FTA) cả song phương lẫn đa phương.

Riêng năm 2015 – mà nhiều người gọi là “năm hội nhập” – hàng loạt FTA quan trọng khác cũng được Việt Nam chủ động tham gia như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (RCEP); FTA với Liên minh châu Âu; FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)…

Xuất nhập khẩu là lĩnh vực được xem là chịu tác động mạnh nhất từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Xuất nhập khẩu là lĩnh vực được xem là chịu tác động mạnh nhất từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Người lạc quan sẽ nhìn thấy cơ hội nhiều hơn thách thức, nhưng cũng có thể đã không đánh giá đúng mực những thách thức sẽ đến. Ngược lại, người bi quan lại hoài nghi việc hội nhập có thể thúc đẩy tăng trưởng, thậm chí cho rằng, hội nhập sẽ càng khiến nền kinh tế bị lệ thuộc hơn. Người ít bi quan cũng tỏ ra lo ngại về những thách thức của hội nhập khi Việt Nam không có những tiền đề tốt để tận dụng những cơ hội mà quá trình hội nhập tạo ra cũng như để hội nhập thành công và mang lại sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng cho đất nước.

Có rất nhiều điều khiến Việt Nam phải lo ngại như sức ép cạnh tranh từ bên ngoài vào, sự dịch chuyển của dòng vốn mang tính chất đầu cơ. Đó còn là nền tảng thể chế kém, năng lực quản trị quốc gia yếu, nút thắt về cơ sở hạ tầng hay sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao hay tình trạng dễ tổn thương của hệ thống tài chínhngân hàng. Tựu trung lại đó là tính kém cạnh tranh toàn diện của nền kinh tế Việt Nam.

Từ được nhắc nhiều nhất cùng với Hội nhập có lẽ là Cạnh tranh. Thế nhưng, trái ngược với tốc độ tham gia hội nhập nhanh, tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam lại chậm được cải thiện. Nói khác đi, sau những bước đi của tiến trình hội nhập mạnh mẽ vừa qua, câu hỏi đang được trăn trở là làm gì để nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Phải khẳng định rằng, Việt Nam đang thiếu cách tiếp cận phù hợp và có hệ thống cho chiến lược hội nhập kinh tế của mình cũng như cho việc tạo dựng nên những yếu tố được xem là nền tảng quan trọng cho cạnh tranh, không chỉ ở tầm quốc gia mà ngay cả ở cấp độ vi mô của từng ngành và ngay cả từng doanh nghiệp cũng như vậy. Tuy nhiên, trong khi khu vực doanh nghiệp, do có động cơ tự nhận ra những hạn chế của mình, đang ngày càng trở nên năng động hơn trong việc chuẩn bị những nền tảng cho cạnh tranh (tất nhiên là đang gặp rất nhiều trở lực) thì xem ra ở cấp độ quốc gia, những yếu tố nền tảng như vậy vẫn hoàn toàn thiếu vắng. Sự thiếu vắng này là bất lợi và trở lực khiến cho khu vực doanh nghiệp, dù năng động và chủ động, nhưng vẫn không tiến được bao xa trong bước đường tự nâng cấp năng lực cạnh tranh của mình.

Sự thiếu hụt những lý thuyết nền tảng về nền kinh tế thị trường, đặc biệt là nền kinh tế thị trường mở của những nhà quản lý kinh tế các cấp vô hình trung đang tạo ra những “rào cản” chính yếu cho hội nhập chứ không phải là hàng rào thuế quan hay phi thuế quan nào khác. Chỉ có điều khi hội nhập, hàng rào thuế quan, phi thuế quan đều được gỡ bỏ một cách nhanh chóng thì “rào cản” về sự hiểu biết này lại không dễ thay đổi một sớm một chiều. Điều này được minh chứng qua gần 30 năm đổi mới và cũng xấp xỉ ngần ấy năm Việt Nam mở cửa và hội nhập. Sự năng động và tiên phong của khu vực doanh nghiệp luôn chịu sự kìm hãm bởi những rào cản thể chế chậm đổi mới và sự yếu kém về năng lực quản trị quốc gia.

Những gì là nền tảng cho cạnh tranh?

Trong cuốn sách Lợi thế cạnh tranh quốc gia của GS. Michael Porter (Đại học Harvard), tác giả đã xây dựng mô hình Kim cương để khái quát hóa những yếu tố nền tảng quyết định tính cạnh tranh của một doanh nghiệp, một ngành và do vậy cấu thành nên năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế. Có 4 yếu tố nền tảng quyết định lợi thế cạnh tranh của một quốc gia, đó là (i) các điều kiện về nhân tố đầu vào, (ii) các điều kiện cầu, (iii) các ngành công nghiệp hỗ trợ và có liên quan, (iv) và chiến lược công ty, cấu trúc và tính ganh đua.

Các điều kiện nhân tố đầu vào

Các điều kiện về nhân tố đầu vào cho hoạt động sản xuất bao gồm nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, tri thức, vốn, cơ sở hạ tầng. Đây là những yếu tố đầu vào tối cần thiết để doanh nghiệp có thể huy động và khai thác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhờ đó tạo nên những lợi thế cạnh tranh cho mình. Nhiều người cũng nhận thấy, Việt Nam đang thiếu vắng một số điều kiện nhân tố đầu vào thuận lợi, chưa kể có thể xem là bất lợi. Chẳng hạn như chất lượng nguồn nhân lực kém và nút thắt về cơ sở hạ tầng là hai trong số những yếu kém lớn nhất (cùng với thể chế) mà ngay Chính phủ Việt Nam đã xác định và chọn làm mũi đột phá chiến lược. Việc lựa chọn là đúng đắn nhưng những điều đã làm được lại quá chậm, nguồn lực đổ vào rất nhiều nhưng kết quả lại chưa được như kỳ vọng. Nói khác đi, nếu cải cách để đạt mục tiêu phân bổ nguồn lực hiệu quả thì ngay chính việc thực hiện cải cách đó của chúng ta đã là không hiệu quả. Cho đến nay chúng ta vẫn còn loay hoay ở giai đoạn đầu của quá trình cải cách để tháo gỡ những nút thắt đó nhưng nền kinh tế thì đang ở vào giai đoạn sâu hơn của sức ép cạnh tranh và đào thải.

Điều kiện cầu

Điều kiện cầu ở thị trường nội địa có thể giúp các doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh, khi mức độ tinh vi và những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng sẽ tạo ra những thúc ép để doanh nghiệp phải sáng tạo không ngừng để tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh hơn so với đối thủ. Khi chúng ta hội nhập, không gian kinh tế được mở rộng ra, khái niệm thị trường bản địa được thay bởi thị trường chung, đi kèm với đó là những hành vi, thị hiếu và sắc màu tiêu dùng khác nhau. Điều này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp nội địa. Những doanh nghiệp nào có khả năng đổi mới và sáng tạo sẽ vươn lên, trong khi doanh nghiệp bảo thủ và trì trệ sẽ bị đào thải. Vai trò của Chính phủ là phải ươm mầm cho những hoạt động đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp thay vì vô tình hay cố ý lại đi kìm hãm sức sáng tạo của doanh nghiệp. Bảo vệ các phát minh, sáng kiến, thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ… cũng là cách khuyến khích các hoạt động sáng tạo và đổi mới, nhưng xem ra Việt Nam vẫn chưa làm được điều này.

Các ngành công nghiệp hỗ trợ và có liên quan

Sự hiện diện hay sự thiếu vắng các ngành hay tổ chức cung ứng, hỗ trợ có liên quan chẳng hạn như đào tạo chuyên biệt, tổ chức nghiên cứu, tư vấn, tiếp thị… sẽ rất quan trọng để giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí giao dịch đáng kể, nhờ đó tăng hiệu quả và tính cạnh tranh. Đây là ý tưởng cho mô hình phát triển các cụm ngành kinh tế.

Ở Việt Nam, cho đến gần đây chưa bao giờ triết lý phát triển theo mô thức cụm ngành (cluster) được áp dụng, thay vào đó là những khu, cụm kinh tế, công nghiệp ô hợp thiếu tính liên kết đua nhau nảy nở, vừa làm tiêu hao nguồn lực và làm suy yếu sức cạnh tranh chung của nền kinh tế.

Chiến lược doanh nghiệp, cấu trúc và tính ganh đua

Đây là những điều kiện chi phối cách thức mà doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và quản lý, cũng như bản chất của sự ganh đua nội địa. Luật Doanh nghiệp năm 1999 và những sửa đổi sau đó đã giúp phát huy vai trò tiên phong của khu vực doanh nghiệp dân doanh và thay dần vai trò chủ đạo của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên đến nay, do mới trải qua lịch sử phát triển ngắn ngủi, phần lớn các doanh nghiệp dân doanh đều có quy mô nhỏ và rất khó cạnh tranh khi hội nhập. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp này đang phải ganh đua kịch liệt để có được nguồn lực và tồn tại. Một số doanh nghiệp dân doanh lớn nhanh và trở nên thân hữu, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước gần như vẫn còn xa lạ với từ ganh đua. Do không chịu sự ganh đua quyết liệt nên không có động lực để các doanh nghiệp này phải nâng cấp bản thân. Một nền kinh tế mà ở đó khu vực giữ vai trò chủ đạo không có động lực nâng cấp để cạnh tranh thì dứt khoát sẽ thất bại khi hội nhập.

Trong mô hình Kim cương Porter còn 2 yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến 4 yếu tố nền tảng của cạnh tranh là Chính phủ và thời cơ. Thời cơ là những sự kiện xảy ra nằm ngoài sự kiểm soát mà qua đó có thể làm gián đoạn những lợi thế cạnh tranh của quốc gia/doanh nghiệp này và thúc đẩy những lợi thế cho quốc gia/doanh nghiệp khác hoặc ngược lại. Rõ ràng, hội nhập mang đến những thời cơ lớn nhưng nó cũng có thể tước đi những lợi thế vốn có nếu như Việt Nam không biết hoặc không thể phát huy được năng lực nội sinh của mình. Vai trò của Chính phủ là phải tìm cách thúc đẩy bốn yếu tố cạnh tranh nền tảng của quốc gia. Để làm được điều này, ngay chính bản thân Chính phủ cũng phải khẩn trương tự nâng cấp mình để đáp ứng với yêu cầu mới.

Có người cho rằng hội nhập sẽ giúp nâng cấp khả năng cạnh tranh cho chúng ta. Đây là một nhầm lẫn tai hại bởi chỉ có chúng ta mới có thể nâng cấp được chính chúng ta. Hội nhập chỉ tạo ra sự thúc ép cần thiết nhưng chính chúng ta sẽ tự chọn lấy vận mệnh của mình.

Việt Nam bước vào hội nhập ở mức sâu rộng hơn trong năm 2016
Năm 2015 vừa đi qua với nhiều thách thức nhưng cũng không ít kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là việc Việt Nam tích cực tham...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư