Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch lại chờ hỗ trợ thuế, phí trong năm 2021 và 2022
Hồng Phúc - 04/02/2021 08:55
 
Sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ cuối tháng 1/2021, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM đồng loạt đưa ra nhiều đề xuất, kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ về thuế, phí.
.
.

Ngóng hỗ trợ

Trong thời gian qua, các chính sách ứng phó của Chính phủ với đại dịch đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM cho rằng, các chính sách này đang phát sinh 4 bất cập, hạn chế nổi bật.

Thứ nhất, doanh nghiệp du lịch được áp dụng quy định giãn thời gian nộp thế giá trị gia tăng (VAT) trong đợt dịch của tháng 3/2020 được giãn 6 tháng nhưng hiện vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian. Ngoài ra, do ghi nhận lỗ nên cũng không áp dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp hội viên cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào, vẫn phải đóng đủ và đúng thời gian.

Thứ ba, việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng - khách sạn chỉ áp dụng đến hết năm 2020 trong khi hiện nay đã sang tháng 2/2021.

Thứ tư, chính sách Nhà nước cho giãn nộp bảo hiểm xã hội với điều kiện phải cắt giảm > 50% lao động, còn với doanh nghiệp nào không cắt giảm lao động thì xem như vẫn đóng bình thường. 

Vì vậy, Hiệp hội du lịch TP.HCM đã ghi nhận nguyện vọng của các doanh nghiệp du lịch, đề xuất 07 giải pháp.

Thứ nhất, miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021 vì hiện nay đa số doanh nghiệp lữ hành không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác,…

Thứ hai, miễn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 và 2022.

Thứ ba, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%, để giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi.

Thứ tư, kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để doanh nghiệp không rơi vào phát sinh nợ xấu.

Thứ năm, miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2021.

Thứ sáu, giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021.

Thứ bảy, cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2021đến hết tháng 6/2022, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021.

Cụ thể, cần giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 03 tháng trong 24 tháng qua; đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho lao động; miễn các khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng từ 60% lên 80%.

“Đây là nguyện vọng tha thiết và mong chờ của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Cơ quan quản lý Nhà nước và các ngành chức năng kịp thời đề xuất Chính phủ nhằm tiếp sức doanh doanh nghiệp vượt khó”, theo văn bản kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gửi đến Bộ VH TT & DL, Tổng cục Du lịch, UBND TP.HCM, Hiệp hội du lịch Việt Nam và Sở Du lịch TP.HCM do Hiệp hội du lịch TP.HCM vừa gửi đi.

Tự linh động

Đầu năm 2021, trước sự chỉ đạo tiên quyết và mạnh mẽ của Chính phủ, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt, từng bước phục hồi du lịch nội địa nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cùng các doanh nghiệp du lịch hội viên phối hợp các đơn vị vận chuyển và Hiệp hội Du lịch các địa phương tích cực triển khai Chương trình Kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc, hứa hẹn một mùa du lịch Tết 2021 với nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, từ trưa ngày 28/01/2021, Việt Nam ghi nhận 82 ca nhiễm tại Hải Dương và Quảng Ninh cũng như liên tiếp các ca nhiễm những ngày sau đó. Để bảo vệ chính mình cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, người dân và du khách đã đồng loạt hoãn, hủy các tour du lịch, đặc biệt các tour du lịch Tết đã đăng ký trước đó.

Điều này một lần nữa chồng chất khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch khi phải hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn đối với khách hàng trong khi vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel cho biết, hiện Vietravel không có tour tại Quảng Ninh và Hải Dương.

Đối với khách hàng đã đăng ký tour có hành trình tham quan ở Hạ Long khởi hành từ 29/01/2021 trở đi, Vietravel đã chủ động liên hệ với khách hàng và thông báo chuyển hướng tuyến tham quan khác thay thế cho Hạ Long, Quảng Ninh hoặc hoàn bằng coupon du lịch có thời hạn đến 30/04/2021.

Từ 29/01 - 7/02/2021, Vietravel có khoảng 101 tour (tương đương 2.519 khách) có lưu trú hoặc tham quan tại Quảng Ninh.

Bà Vân Khanh đánh giá, việc bùng phát dịch lần này dự kiến sẽ tác động đến tình hình du lịch của ngành du lịch, nhất là trước thềm năm mới.

Trước mắt, Vietravel đang tư vấn và điều hướng khách chuyển sang các vùng miền Trung, cao nguyên, Tây Nam Bộ và Phú Quốc.

Trong khi thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở”, ngành du lịch nói chung buộc phải dồn nguồn lực đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa.

Nếu như trước kia “miếng bánh” du lịch có thể khai thác từ 3 nguồn gồm du lịch nội địa (khách Việt đi du lịch Việt Nam), Inbound (khách quốc tế đi du lịch Việt Nam) và Outbound (khách Việt đi du lịch nước ngoài) thì trong khoảng 1 năm nay, các công ty du lịch chỉ còn khai thác được mảng du lịch nội địa.

Sau những đợt dịch đến bất ngờ từ ngày 27/01/2021 dù nhiều tour du lịch của hàng loạt doanh nghiệp phải thực hiện chuyển sang chế độ hoàn/huỷ nhưng theo đại diện Vietravel, người Việt Nam cũng đã dần dần thích nghi với lối sống trong trạng thái bình thường mới.

“Tương tự những lần trước, chúng ta tin tưởng Chính phủ sẽ nhanh chóng dập dịch và những khu vực đang trong vùng dịch sẽ mau chóng trở lại nhịp sống bình thường. Hiện, Vietravel Holdings bao gồm 2 mảng là hàng không và du lịch. Chúng tôi xác định vẫn hoạt động kinh doanh nhưng luôn luôn linh động, điều chỉnh theo tiêu chí đảm bảo an toàn cho du khách và đáp ứng cho nhu khách có nhu cầu”, bà Vân Khanh chia sẻ với baodautu.vn về câu hỏi, trước tình hình diễn biến dịch khó lường như hiện nay, Vietravel sẽ chọn phương án “án binh bất động” bảo toàn nguồn lực hay tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh để đưa ra phương án kinh doanh cụ thể?.

Còn với hãng hàng không như Vietnam Airlines, giải pháp hoàn vé cũng được triển khai. Theo đó, hành khách của hãng này có thể lựa chọn phương án hoàn vé ra Travel Voucher với ưu đãi tặng thêm 10% giá cước của vé.

Chính sách này áp dụng cho vé nội địa có chuyến bay khởi hành từ 29/01/2021, đối với cả trường hợp khách yêu cầu hoàn vé tự nguyện và trường hợp chuyến bay bị hủy, chậm kéo dài, khởi hành sớm do dịch Covid-19 hoặc yêu cầu của nhà chức trách.

Cụ thể, hành khách có thể thực hiện hoàn vé sang Travel Voucher với giá trị 110% giá vé được chi hoàn và 100% giá trị các loại thuế, phí, phụ thu chưa sử dụng. Voucher có thể đổi ra các sản phẩm, dịch vụ của hãng như vé máy bay, hành lý, chọn ghế ngồi, nâng hạng… và có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm từ ngày xuất.

Với vé mua ban đầu có điều kiện “được chi hoàn”, khách có thể yêu cầu chi hoàn voucher về hình thức thanh toán ban đầu sau 03 tháng kể từ ngày xuất voucher (có thu phí hoàn theo điều kiện áp dụng giá vé)

Bên cạnh hỗ trợ hoàn vé, Vietnam Airlines tiếp tục chính sách hỗ trợ miễn lệ phí và miễn điều kiện đổi vé cho hành khách có vé bay từ ngày 29/01 mà chuyến bay bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cùng với đó, thực hiện ngay các biện pháp phun khử khuẩn tại các khu vực tiếp xúc bệnh nhân, tại phòng cách ly và báo cáo về trường hợp trên cùng các biện pháp đã xử lý cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nắm tình hình.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Doanh nghiệp du lịch kích hoạt dịch vụ trả góp
Thị trường du lịch Tết Nguyên đán Tân Sửu khá trầm lắng. Do đó, ngoài các chương trình khuyến mại khủng, nhiều doanh nghiệp đang kích hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư