Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch ồ ạt mở bán tour kích cầu
Hồ Hạ - 11/05/2020 09:42
 
Sau thời gian “ngủ đông” do Covid-19, các doanh nghiệp du lịch đang bắt tay nhau, ồ ạt tung ra các tour, sản phẩm giảm giá kịch sàn.
.
Các doanh nghiệp du lịch đang bắt tay nhau, ồ ạt tung ra các tour, sản phẩm giảm giá kịch sàn.

Hàng loạt tour, combo du lịch kích cầu

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, hầu hết các hãng lữ hành đã chào bán các tour, combo, sản phẩm du lịch nội địa giá siêu khuyến mãi. Đơn cử, AZA Travel giảm giá tới 70%, chỉ từ 1,59 triệu đồng/người cho các gói combo du lịch bao gồm vé máy bay trọn gói và 3 ngày 2 đêm khách sạn từ 3 sao trở lên. Các hành trình xuất phát từ Hà Nội tới các điểm đến du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt…, khởi hành từ ngày 10/5 đến hết ngày 31/12/2020. Ngoài chương trình combo vé máy bay và khách sạn, AZA Travel cũng đang triển khai bán các voucher nghỉ dưỡng khuyến mại tới 50% của các thương hiệu nổi tiếng như FLC, Vinpearl, Flamingo, Sun Group, du thuyền Heritage 5 sao…

Trong khi đó, HanoiRedtour mở bán nhiều tour trọn gói giá tiết kiệm như: Đà Nẵng từ 4,55 triệu đồng; Quy Nhơn từ 5,15 triệu đồng; Phú Quốc từ 5,43 triệu đồng; kỳ nghỉ cuối tuần tại flamingo Đại lải 1,75 triệu đồng; Tuy Hòa từ 5,59 triệu đồng; Cô Tô 2,7 triệu đồng; Vân Đồn - Quan Lạn 2,79 triệu đồng…

VietSense Travel cũng chào bán các tour giảm giá sâu chưa từng có, chất lượng không đổi gồm: Mai Châu - Mộc Châu 1,39 triệu đồng; các tour Vân Đồn - Quan Lạn, Cô Tô, Cát Bà đồng giá 2,75 triệu đồng; Cửa Lò - quê Bác 1,99 triệu đồng; Hải Tiến 2,19 triệu đồng; Quảng Bình - động Thiên Đường 2,95 triệu đồng; Sapa - Fansipan 2,85 triệu đồng; Hà Giang - Đồng Văn - Lũng Cú 2,35 triệu đồng; Tuyên Quang - Hà Giang - Cao Bằng 3,65 triệu đồng; Ba Bể - Bản Giốc - Pác Bó 2,35 triệu đồng; Sơn La - Điện Biên 2,75 triệu đồng; Đà Nẵng - Hội An - Huế 4,59 triệu đồng; Nha Trang 4,29 triệu đồng; Phú Quốc 3,79 triệu đồng; Côn Đảo 7,99 triệu đồng; Tây Nguyên 5,25 triệu đồng; Lý Sơn 4,69 triệu đồng; Đà Lạt 5,55 triệu đồng…

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho biết: “Giá tour rẻ chủ yếu do hàng không mới được bỏ quy định về giãn cách trên máy bay nên có giá khuyến mại rất sâu, cộng với các khách sạn, resort cũng có mức khuyến mại lớn nhằm lấp các phòng trống. Bản thân Công ty du lịch AZA Travel cũng bán không lợi nhuận để có mức giá tốt nhất cho khách hàng. Do đó, du khách hoàn toàn yên tâm về việc giá giảm, nhưng chất lượng không thay đổi”.

Lữ hành cạnh tranh khốc liệt

Theo các chuyên gia, du lịch nội địa hiện là “cứu cánh” duy nhất cho các hãng hàng không Việt Nam và các công ty du lịch khi thị trường outbound (đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài) và inbound (đón du khách nước ngoài du lịch Việt Nam) sẽ mất ít nhất 3 tháng mới bắt đầu đi lại kể từ khi thế giới hết dịch. Bởi dự báo, 18 tháng nữa mới có vắc-xin, nên trong thời gian này, du lịch sẽ duy trì trạng thái bình thường mới, xác định sống chung với dịch.

Ông Nguyễn Tiến Đạt nhận định: “Du lịch sẽ phục hồi theo hình zích zắc tùy tình hình dịch. Nếu cứ giữ nguyên yên ổn thế này thì du lịch sẽ dần hồi phục, nhưng lại có ca nào như bệnh nhân số 17 thì du lịch và hàng không lại “toang”. Trước đêm 6/3, ngành du lịch và các công ty lữ hành đã hồ hởi phát động các kiểu kích cầu du lịch, nhưng chỉ 1 ca bệnh mới là mọi việc lại lâm vào trạng thái đóng băng”.

Bên cạnh đó, du lịch nội địa sẽ khó bứt phá trong thời gian ngắn, bởi hết cách ly thì học sinh phải đi học và kỳ nghỉ hè rất ngắn, chỉ đôi ba tuần. Chưa kể Covid-19 đang làm suy thoái kinh tế và du lịch được coi là không thiết yếu sẽ dễ bị các gia đình, cơ quan cắt để giảm chi phí. Mặt khác, trong trạng thái bình thường mới, cách đi du lịch của người dân sẽ thay đổi. Hình thức du lịch tự do, đi theo các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè thân, ưu tiên sử dụng phương tiện gia đình, là những xu thế được ưa chuộng hiện nay.

“Như vậy, kể cả khi khách đã đi du lịch trở lại, các bãi biển, khu du lịch trông có vẻ đông thì du lịch và lữ hành vẫn tiếp tục “đói”, “ngủ đông” và tiếp tục hành nghề tay trái để có thêm thu nhập. Chưa kể gần 2.700 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trước kia chuyên làm outbound, inbound với lợi nhuận béo bở, giờ đều chuyển đổi sang giành giật cạnh tranh nhau ít khách nội địa thì liệu có sống tốt?”, ông Đạt phân tích

Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cũng cho rằng, giao dịch online sẽ lên ngôi sau Covid-19. Tuy khó khăn, song các hãng lữ hành chuyển đổi số tốt, sớm mở bán các gói sản phẩm kích cầu mức giá hấp dẫn và dịch vụ chuyên nghiệp vẫn có “đất sống” trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt này.

Được biết, ngành hàng không cũng đã sẵn sàng tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa. Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ chốt giá vé đảm bảo chương trình kích cầu đạt kết quả tốt nhất.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, lễ phát động chương trình kích cầu du lịch ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam sẽ được Hiệp hội tổ chức vào giữa tháng 5/2020.

Về giá tour, sẽ có 2 phương án song song: thứ nhất là giá rẻ hơn tour du lịch thông thường từ 20 - 30%, nhưng chất lượng dịch vụ không giảm; thứ hai là giữ nguyên giá, nhưng tăng dịch vụ cao cấp cho khách.

[Longform] Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: Thời điểm để doanh nghiệp du lịch "chuyển nguy thành cơ"
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, thời điểm này, mỗi ngày, có cả chục doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư