Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp gia đình có nên phát triển thành tập đoàn?
Thanh Huyền - 03/06/2017 08:51
 
Toyota, Samsung hay KIDO đều là những tập đoàn đi lên từ mô hình doanh nghiệp gia đình. Nhưng liệu mô hình tập đoàn có phù hợp cho tất cả doanh nghiệp gia đình?

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng vậy, đều phải trải qua quá trình đi từ những nhà xưởng sản xuất, cửa hàng kinh doanh để trở nên có tầm vóc. Đó cũng là lý do mà mô hình công ty gia đình được xem là mô hình kinh doanh lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới.

Trên thế giới, những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Ford, Volkswagen, Toyota, Samsung, SoftBank… đều có xuất phát điểm là các công ty gia đình. Trong khi đó tại Việt Nam, sự hiện hữu của các doanh nghiệp gia đình càng quen thuộc hơn, nhất là khi kinh tế tư nhân được “cởi trói” sau công cuộc Đổi mới năm 1986. Đa số các chuyên gia đều đánh giá cao những đóng góp  và vai trò quan trọng của các gia đình doanh nhân trong sự phát triển của nền kinh tế.

Ông Lê Hữu Thi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Apuwa Việt Nam ngồi ở vị trí CEO
Ông Lê Hữu Thi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Apuwa Việt Nam ngồi ở vị trí CEO

Song nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, có khá nhiều vấn đề liên quan đến mô hình công ty này cần phải khắc phục và giải quyết, từ việc hoạch định đội ngũ kế thừa, sự ảnh hưởng của cái bóng người sáng lập, những xung đột trong công ty gia đình, đến việc có nên sử dụng nhà quản lý chuyên nghiệp ngoài gia đình để quản trị và kiến tạo doanh nghiệp... Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp gia đình, sau khi phát triển tới một mức độ nhất định, đã tiến hành cổ phần hóa, hoặc thay đổi cách quản trị theo mô hình tập đoàn để phát triển kinh doanh và giúp thương hiệu trở nên trường tồn.

Trong vài năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều tập đoàn mang đậm tính chất gia đình như Kinh Đô (nay là KIDO), Phú Thái hay Doji… Tuy vậy, thành công không dành cho tất cả, do đó việc có nên chuyển sang mô hình tập đoàn hay không là câu hỏi mà các doanh nghiệp gia đình cần tìm lời giải. Thực tế này tương tự vấn đề của một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất gốm sứ mỹ nghệ đang gặp phải.

Doanh nghiệp này đã thành công và có uy tín treeên thị trường, nhờ sự tận tâm, đồng thuận của các thành viên trong gia đình suốt quá trình gây dựng và phát triển. Từ dòng sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ ban đầu, doanh nghiệp đã phát triển thêm gốm sứ kỹ thuật, sản xuất hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, cung cấp và phân phối nguyên vật liệu cho ngành gốm sứ…

Đến nay, bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi là gốm sứ mỹ nghệ, các mảng kinh doanh mới đều phát triển nhanh chóng, góp phần lớn vào tăng trưởng doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điểm đặc biệt là các mảng kinh doanh đều đang được những người trong gia đình phụ trách, tổ chức kinh doanh khá hiệu quả. Trước cơ hội và tiềm năng phát triển đó, Hội đồng Quản trị công ty (trong đó có CEO) đã cùng ngồi lại bàn bạc để xác định hướng phát triển trong tương lai.

CEO cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp cần phát triển thành một tổ hợp công ty mẹ - con. Trong đó, công ty mẹ là công ty gốm sứ mỹ nghệ với các hoạt động cốt lõi, các công ty con sẽ giao cho những người thân trong gia đình đứng ra quản lý và điều hành. Với mô hình này, các công ty con sẽ độc lập với công ty mẹ, tự hạch toán và sử dụng các nền tảng chung của công ty mẹ. Công ty mẹ vẫn tham gia vào quá trình vận hành, hoạt động, nhằm định hướng chiến lược cho các công ty con ở mức độ dài hạn, tạo đà để giúp công ty mở rộng, phát triển, tiến tới thành một tập đoàn lớn mạnh.

Tuy nhiên, phương án này không được các cổ đông đồng thuận. Họ lập luận, cách làm này sẽ khiến bộ máy cồng kềnh, phát triển quá nóng và giảm khả năng kiểm soát của công ty đối với các lĩnh vực khác. Do đó, chỉ nên để một công ty duy nhất, nhưng mở thêm các mảng, các dịch vụ kinh doanh khác bên trong, giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt và tập trung các hoạt động kinh doanh.

Theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược phát triển” có thể sẽ mang lại những gợi mở hay cho doanh nghiệp. Bởi tình huống của doanh nghiệp nói trên chính là bài toán mà CEO phải xử lý trong Chương trình. Người chơi ngồi ở vị trí CEO lần này là ông Lê Hữu Thi, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Apuwa Việt Nam. CEO Lê Hữu Thi cũng chính là vị doanh nhân xuất hiện trên chuyên mục Chân dung doanh nhân của Báo Đầu tư số này.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam (VEFC).

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (4/6) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (5/6) trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook:

www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.

Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Doanh nghiệp gia đình loay hoay chọn chiến lược phát triển thương hiệu
Khi đã phát triển đến tầm cỡ nhất định, các doanh nghiệp gia đình bắt đầu tính đến phát triển một doanh nghiệp đa thương hiệu. Nhưng hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư