Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp gia đình trước áp lực tái cấu trúc
Kỳ Thành - 14/01/2017 09:06
 
Mô hình doanh nghiệp gia đình được biết đến là có thể tận dụng nhiều lợi ích khi tận dụng được sự tin cậy, chi phí từ những người thân, nhưng đồng thời tạo ra những rào cản khi DN muốn bứt phá phát triển.

Theo Hội Doanh nghiệp Trẻ TP.HCM (YBA), có đến 1/3 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới là công ty gia đình.

Ở những quốc gia đang phát triển, nhiều công ty thành công bắt nguồn từ các doanh nghiệp gia đình, điển hình là Wal Mart, Bertelsmann và Bombardier ở Bắc Mỹ và châu Âu; các chaebol ở Hàn Quốc và “grupo” ở châu Mỹ La-tinh.

Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân thành công bây giờ đều xuất phát từ những doanh nghiệp gia đình. Điển hình như Tập đoàn Kinh Đô do hai anh em ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào có xuất phát từ công ty gia đình cũng có thể phát triển như Kinh Đô. Theo ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Digiworld Corporation, cản trở lớn nhất trong các công ty gia đình là phân quyền không tốt, quản lý còn nặng theo tình cảm.

Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nam Hải Group (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.
Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nam Hải Group (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.

Thực tế này cũng giống vấn đề của một doanh nghiệp gia đình sở hữu 5 siêu thị mini đang gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh gay gắt. Trước tình hình này, Hội đồng Quản trị công ty đã tiến hành tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp nhằm cứu vãn tình hình. Điều đặc biệt, CEO ngồi ghế nóng là một CEO mới toanh được Hội đồng Quản trị thuê giữ vai trò “đầu tàu” chiến lược này.

Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một doanh nghiệp gia đình, doanh nhân Nguyễn Thị Dung trong vai trò CEO ngồi ghế nóng kỳ này đưa ra giải pháp thú vị là mở mới một siêu thị áp dụng phương pháp quản trị mới, nhân sự mới, loại bỏ yếu tố gia đình. Khi mô hình mới thành công, sẽ lấy làm cơ sở để tái cấu trúc cho công ty. Theo CEO, với mô hình hiện tại, các thành viên trong công ty hầu hết trong một gia đình, nên thói quen làm việc kiểu gia đình đã ăn sâu vào trong họ.

Tuy nhiên, ý kiến của CEO mới vấp ngay phải sự phản đối của các cổ đông với lý do, làm như vậy sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí và bộ máy trở nên cồng kềnh, không nhất quán. Các cổ đông cho rằng, nên tập trung cải tổ và nâng cấp công ty trước, tập trung vào các siêu thị sẵn có sao cho hoạt động hiệu quả mới mở thêm các siêu thị.

Tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Giải pháp tái cấu trúc” trong vai trò là CEO của công ty, bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nam Hải Group đã đưa ra nhiều lập luận sắc bén bảo vệ quan điểm của mình, thuyết phục cổ đông.

CEO đánh giá, công ty hiện tại rơi vào tình cảnh như hiện nay là do quá nặng yếu tố gia đình, khiến cải tổ khó khăn.

Tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công phát sóng ngày 15/1 tới đây, CEO sẽ nhận được sự tư vấn của hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị, tái cấu trúc doanh nghiệp là ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và châu Á Thái Bình Dương, cùng TS.Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Kinh Đô miền Bắc.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình: Nhiệm vụ khả thi?
“Chúng ta tìm người tài, chứ không tìm người nhà” - yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về công tác cán bộ là đề tài được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư