Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 09 năm 2024,
Doanh nghiệp, hợp tác xã miền Trung “tăng tốc” cuối năm
Việt Hương - 28/10/2022 17:08
 
Thị trường xuất khẩu đang giảm mạnh, các doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều giải pháp giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; giảm bớt chi phí các khâu trung gian...

Địa bàn nhiều tiềm năng

Tháng 8 vừa qua, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh này tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2022. Mục đích của sự kiện này chính là đẩy mạnh liên kết, tạo điều kiện phát triển cho các tỉnh thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Khu vực miền trung - Tây Nguyên có vị trí kinh tế, địa lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là địa bàn nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao.

Trước bài toán khó về thị trường xuất khẩu đang giảm mạnh, các doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều giải pháp giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; giảm bớt chi phí các khâu trung gian...
Trước bài toán khó về thị trường xuất khẩu đang giảm mạnh, các doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều giải pháp giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; giảm bớt chi phí các khâu trung gian... Ảnh minh hoạ

Đây còn là khu vực có hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không… thuận lợi giao thương nội vùng và với các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và xa hơn là các nước Nam Á, vùng Tây Nam Trung Quốc thông qua trục hành lang kinh tế Đông - Tây.

Những lợi thế này giúp các địa phương có thể phát triển nền kinh tế với các ngành công nghiệp chủ lực như: lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương được ghi nhận là cao hơn bình quân cả nước (+6,42%) như: Quảng Nam (+12,8%), Khánh Hòa (+12,58%), Kon Tum (+9,69%), Lâm Đồng (+9,29%), Đắk Lắk (+7,37%), Đà Nẵng (+7,23%), Bình Định (+7,01%)… (Năm 2021, khu vực có 2 địa phương trong Top 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước là: Gia Lai 9,71%; Ninh Thuận 9%... cả nước tăng 2,58%).

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, sự phối hợp chia sẻ thông tin về công tác quản lý Nhà nước, hợp tác phát triển sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, kết nối giao thương hàng hoá được duy trì thường xuyên và có hiệu quả đã đóng góp tích cực vào các thành tựu của ngành Công Thương trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển. Những hạn chế này, không chỉ là vấn đề của riêng ngành Công Thương, mà là vấn đề chung của cả nước.

Tăng tốc chặng cuối năm

Ghi nhận tại các tỉnh miền Trung, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đang tập trung phát triển mạnh sản xuất kinh doanh, chuẩn bị cho mùa thu lợi nhuận cao điểm nhất trong năm, cũng để tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.

Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải (Cụm Công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chuyên sản xuất và phân phối vật liệu gạch, ngói không nung, bê tông thương phẩm và kết cấu kiện đúc sẵn phục vụ ngành xây dựng.

doanh nghiệp
Doanh nghiệp, hợp tác xã tại miền Trung tăng tốc sản xuất sản phẩm dịp cuối năm

10 tháng năm 2022, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn và các tỉnh, thành trong cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt là điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn khá dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch..

Theo Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải, với dây chuyền sản xuất tiên tiến theo công nghệ Châu Âu và các nước Italia, Nhật Bản..., các sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ đón nhận với thị phần ngày càng tăng.

Nhờ đó, doanh thu 9 tháng năm 2022 của doanh nghiệp này đạt 82 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, doanh nghiệp đang chủ động các giải pháp như: nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng mới, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới thị trường...

Theo ông Lê Đức Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho hay: “Trong năm 2022, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn cơ bản đã có sự phục hồi trở lại sau dịch COVID-19.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, phí đầu vào, nhân công… nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục để tăng doanh số, tạo việc làm cho lao động địa phương, ông Thắng nói.

Cũng theo chia sẻ từ vị này, hiện trên địa bàn Hà Tĩnh, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh và ghi nhận sự tăng trưởng, khởi sắc.

Thời gian từ nay tới cuối năm 2022 không còn dài, cộng đồng doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đang tập trung các giải pháp cho giai đoạn “nước rút”, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho hay.

Còn với một số chia sẻ từ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và kiến trúc Á Châu cho biết, tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngành giấy hiện vẫn còn khó khăn.

Ở thời điểm này, mặc dù doanh nghiệp vẫn duy trì được đơn hàng, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động nhưng dự báo mức tăng trưởng vào cuối năm nay sẽ khó đạt được như kế hoạch đề ra.

Tương tự, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang đối mặt với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu “hạ nhiệt” từ hơn một tháng nay, dù tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành ước đạt 145 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2021.

Dự báo những tháng cuối năm, bài toán về nguồn cung và giá nguyên liệu cho doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động và đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của bạn hàng.

Trước bài toán khó về thị trường xuất khẩu đang giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao, các doanh nghiệp xác định không thể thụ động dựa vào các đối tác nước ngoài hoặc chờ đợi lạm phát đi xuống. Thay vào đó, doanh nghiệp chủ động đưa ra nhiều giải pháp để nỗ lực giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; giảm bớt chi phí các khâu trung gian...

Để giảm thiểu những tác động từ sự biến động của thị trường, nhất là Mỹ, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng tập trung vào những giải pháp như tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu tư mở rộng công suất và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết: “Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp chịu tác động từ những biến động của thị trường thế giới nhưng do công ty xuất khẩu trực tiếp với bạn hàng, không qua khâu trung gian nên ảnh hưởng không quá lớn. Dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến cuối năm khi hiện nay, tất cả các tháng đều đã có đơn đặt hàng”. 

Hà Nội tăng tốc sản xuất phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Quý Mão 2023
Các doanh nghiệp, HTX, trang trại trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu lớn của người tiêu dùng dịp Tết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư