Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp ICT Việt đầu tư sang Myanmar: Thế hệ thứ hai tiếp bước
Hữu Tuấn - 03/09/2019 17:18
 
Những thành công bước đầu của thế hệ F1 các doanh nghiệp công nghệ viễn thông (ICT) Việt Nam sang thị trường Myanmar như Viettel, VNPT, FPT, VNG… đã tạo thêm sức mạnh, niềm tin để thế hệ thứ hai tiếp bước đầu tư tại thị trường này.
.
Myanmar đang là thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khối doanh nghiệp ICT nói riêng. 

Từ dấu chân tiên phong…

Trước năm 2011, thời điểm Myanmar bắt đầu cải tổ nền kinh tế, một chiếc sim điện thoại tại đây có thể được bán với giá hơn 2.000 USD. Tới cuối năm 2012, mới có 5,4 triệu người trong tổng số 60 triệu dân của nước này sở hữu thuê bao di động, tương đương tỷ lệ 9%. Myanmar được gọi là mảnh đất vàng cho các doanh nghiệp ICT. 

Sau nhiều thất bại, năm 2016, Viettel đã đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Myanmar bằng giấy phép thành lập liên doanh Mytel. Chỉ sau 8 tháng, Mytel đã đạt gần 5,2 triệu thuê bao di động, vươn lên chiếm 14% thị phần viễn thông và đứng thứ 3 trên thị trường. Năm 2019, Mytel dự kiến cán mốc 10 triệu thuê bao và đang tạo ra một cuộc cách mạng trên thị trường dữ liệu di động, làm bùng nổ hoạt động truy cập Internet tìm kiếm thông tin, giải trí... tại Myanmar.

Còn VNPT bắt đầu xuất khẩu cáp quang sang thị trường Myanmar từ năm 2010. Đến năm 2014, Tập đoàn chính thức đặt văn phòng đại diện tại Myanmar và đã thực hiện nhiều hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông Myanmar như A1 Construction Co.,Ltd, Terabit Wave, Elite Telecom Public Company Limited và Fortune International, để cung cấp dịch vụ vệ tinh, kinh doanh Internet, sản phẩm viễn thông. Tháng 10/2017, VNPT đã khai trương liên doanh StreamNet với Công ty Elite Telecom Pulic Myanmar có vốn điều lệ 15 triệu USD để xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ băng rộng cố định, dịch vụ di động.

Cùng với “bước chân mở lối” của Viettel và VNPT, năm 2012, một năm sau khi Myanmar mở cửa, FPT đã có được những hợp đồng đầu tiên cung cấp một số hệ thống công nghệ thông tin cho Myanmar Post and Telecommunications. Sau đó, FPT đã hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài tại Myanmar như Huawei, Ooredoo, ITAH và Tổng công ty MMI (doanh nghiệp lớn nhất Myanmar trong lĩnh vực FMCG). Đến năm 2015, vượt qua 12 nhà thầu quốc tế, FPT đã thắng gói thầu dự án công nghệ thông tin có giá trị 11,3 triệu USD cho Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar.

Sau FPT, giữa năm 2016, VNG đã đưa sản phẩm Zalo sang thị trường Myanmar và nhanh chóng đạt con số 2 triệu người dùng sau 4 tháng. Tháng 8/2018, VNG mở văn phòng đại diện tại Myanmar xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ số sang thị trường này… Cùng năm, Thế giới Di động cũng chính thức mở rộng mạng lưới phân phối tại Myanmar.

Đến thế hệ F2 vững bước…

Những thành công bước đầu của thế hệ F1 các doanh nghiệp ICT Việt Nam tại thị trường Myanmar đã tạo thêm sức mạnh để thế hệ thứ hai tiếp bước đầu tư tại thị trường này.

Mở đầu cho thế hệ F2 là FastGo. Đầu năm 2019, FastGo chính thức hoạt động tại Myanmar bằng việc hợp tác liên doanh với Asia Sun Group. Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc FastGo Group cho hay, Myanmar là thị trường tiềm năng và có tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch, bán lẻ... với hơn 50 triệu dân, nhu cầu đi lại, vận chuyển sẽ tăng cao. 6 tháng cuối năm 2019, FastGo dự kiến phát triển 1 triệu khách hàng tại Myanmar, với 20.000 đối tác tài xế.

Sau FastGo, tháng 5/2019, Vinsmart (thuộc Vingroup) công bố ra mắt thương hiệu và sản phẩm Vsmart tại Myanmar. Đối tác phân phối sản phẩm Vsmart là Công ty Strong Source. Theo đó, các sản phẩm Vsmart sẽ được phân phối thông qua gần 1.500 cửa hàng của nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng và kinh doanh đa ngành số 1 tại Myanmar. Qua Strong Source, Vsmart đồng thời hợp tác với 2 nhà bán lẻ lớn (phân phối trực tiếp và trực tuyến) tại Myanmar là Mytel (Viettel) và Shop.com.mm (Alibaba).

“Myanmar là thị trường tiềm năng với tỷ lệ tăng trưởng mạnh các sản phẩm tiêu dùng công nghệ trong những năm gần đây. Nhiều thương hiệu điện thoại khác cũng đã nhanh chóng nhập cuộc và cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng, với nền tảng phát triển công nghệ, nhân sự và đặc biệt là sự hỗ trợ của các đối tác phân phối, Vsmart sẽ lọt vào top những thương hiệu điện thoại thông minh được ưa chuộng tại thị trường Myanmar”, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó tổng giám đốc Công ty VinSmart cho biết.

Tiếp nối Vingroup, tháng 7/2019, Bkav đã ra mắt sản phẩm Bphone 3 tại Myanmar. Bphone 3 sẽ được bán tại 100 cửa hàng Mytel trên khắp Myanmar. “Điều đáng vui mừng nhất là sự hợp tác giữa Bkav và Mytel, mạng di động có cổ đông lớn nhất là Viettel. Đó không chỉ đơn thuần là sự hợp tác của 2 doanh nghiệp Việt, mà còn là cách làm hiệu quả, kinh tế, ở một thị trường có tiềm năng cao, nhưng tính cạnh tranh cũng rất gay gắt như Myanmar”, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương nhận xét.

Myanmar đang là thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khối doanh nghiệp ICT nói riêng. Đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Myanmar với các tên tuổi lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Vietnam Airlines, BIDV,SHB…, tạo nên một “làn sóng” đầu tư vào Myanmar.

Doanh nghiệp ICT xoay hướng đầu tư dịch vụ tại Việt Nam
Hợp tác đầu tư cung ứng dịch vụ theo tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm đang được xem là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư