Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 28 tháng 06 năm 2024,

Doanh nghiệp không đồng tình với đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo
Hải Yến - 02/06/2024 10:10
 
Đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo mà VFA đưa ra bị nhiều doanh nghiệp trong ngành "phản bác", khi cho rằng, giá gạo xuất khẩu phải theo thị trường, phải để các doanh nghiệp tự tính toán, đàm phán và bán gạo với mức giá phù hợp.
Đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo của VFA khiến nhiều doanh nghiệp không đồng tình.
Đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo của VFA khiến nhiều doanh nghiệp không đồng tình.

Trong cuộc họp mới đây của 2 Bộ Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo.

Đề xuất áp giá sàn trong xuất khẩu được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó đảm bảo giá trị hạt gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ không đồng tình với đề xuất này của VFA.

Chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Nguyễn Chánh Trung, Ceo Công ty TNHH Gạo Hưng Việt (An Giang) nói: "Tôi không ủng hộ đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo, bởi đề xuất này không phản ánh câu chuyện chung của doanh nghiệp trong ngành. Xu thế chung của ngành gạo nên để tự do cung cầu điều tiết, chuyện lấy một vài doanh nghiệp trúng thầu giá thấp rồi đưa ra các quy định áp đặt cho cả thị trường với biết bao doanh nghiêp là không phù hợp".

"Nên nhớ, chúng ta đã từng áp giá sàn rồi và đã thay đổi. Do đã quá lạc hậu thì tại sao phải quay lại", ông Trung nêu.

Còn theo đại diện Tập đoàn Tân Long, doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu gạo, đề xuất của VFA đang là phi nguyên tắc thị trường bởi giá sàn không có giá trị khi giá thị trường quốc tế cao hơn giá sàn. Còn trong trường hợp, giá thị trường quốc tế thấp hơn giá sàn thì cầu của thị trường sẽ mua gạo của các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ… mà đợi điều chỉnh giá sàn rõ ràng khi đó gạo của chúng ta sẽ giảm tính cạnh tranh.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long đánh giá: "Giá sàn lúc đó là một rào cản, giống như là cấm xuất khẩu. Như vậy, nông dân Việt Nam sẽ không bán được hàng và giá nội địa sẽ giảm rất sâu. Bằng chứng là nhiều năm trước đã xảy ra và chúng ta đã bỏ giá sàn".

Còn theo các chuyên gia, một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn của thế giới như Ấn Độ, Thái Lan… cũng không áp dụng giá sàn.

Tại cuộc họp với 2 Bộ trước đó, nói về nỗi lo khi doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, và kiến nghị về áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, bà Bùi Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cho rằng: "Trước đây, khi chúng ta áp dụng giá sàn, cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng cũng có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn. Bây giờ quay lại giá sàn thì đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng".

Trao đổi thêm về việc chỉ một vài doanh nghiệp trúng thầu giá thấp mà lo ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp khác và nông dân, từ đó đề xuất áp giá sàn, ông Trung lập luận: "Trong ngành này, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược kinh doanh riêng, và mỗi lãnh đạo của doanh nghiệp, như một vị “thuyền trưởng”, sẽ chèo lái đi theo con đường không giống nhau. Đơn cử, nếu doanh nghiệp đang kẹt dòng tiền, kẹt tồn kho lớn, và không đấu giá cao được thì cũng đành chịu, không ai muốn bán giá thấp để thua lỗ".

Còn nếu đặt trong quy mô một ngành gạo của quốc gia đang xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo/năm thì giao dịch vài chục nghìn đến trăm nghìn tấn, thực sự không ảnh hưởng đến thị trường.

"Khi doanh nghiệp làm kinh doanh họ đều có sự toan tính kỹ. Có thời điểm dù không mong muốn nhưng vẫn phải chấp nhận "hy sinh" đẩy lượng tồn kho để có dòng tiền, thanh toán chi phí đầu vào. Và tôi nói thật, nếu một doanh nghiệp phải bán giá thấp để trả tiền thóc cho nông dân thì không có gì phải bàn. Chưa kể, doanh nghiệp đi kinh doanh thì không thể lúc nào cũng tốt được mà có đơn này cao, bù cho đơn thấp", ông Trung phân tích thêm.

Đối với trường hợp một vài doanh nghiệp trúng thầu xuất khẩu gạo giá thấp, nếu lo lắng sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành, việc Cơ quan quản lý nên làm là yêu cầu đúng doanh nghiệp đó giải trình và chỉ nên xử lý gói gọn trong giao dịch đó thôi.

Được biết, trước đề xuất trên của VFA, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ cùng với Bộ Công thương phối hợp để bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu nhất.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, hết 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo 4,15 triệu tấn, trị giá 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về sản lượng và 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Cùng với rau quả, gạo là nông sản có mức tăng xuất khẩu ấn tượng.

Còn trong năm ngoái, sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với năm trước, là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo.

Lộc Trời nói gì về việc trúng thầu đơn hàng gạo trị giá 55 triệu USD
Lộc Trời khẳng định, việc đấu trúng thầu gạo sang Indonesia đã được tính toán kỹ, bù đắp được chi phí doanh nghiệp mà vẫn bao tiêu mua lúa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư