Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị định về kinh doanh xăng dầu
Thế Hải - 16/05/2023 10:56
 
Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới về xăng dầu, không trễ hơn quý II/2023.
Bán lẻ xăng dầu kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị định về xăng dầu.
Bán lẻ xăng dầu kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị định về xăng dầu.

Hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có giấy ủy quyền để ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đại diện, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc sớm ban hành  nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi.

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 15/5, nhóm các doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ mong muốn Thủ tướng sớm ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do gặp rất nhiều khó khăn do thời gian qua quy định trong Nghị định luôn bất lợi đối với doanh nghiệp bán lẻ.

Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng. Việc kinh doanh bấp bênh kéo dài quá lâu do Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, nên đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.

DN bán lẻ không được góp ý kiến

Theo các doanh nghiệp, những bất cập trên xuất phát từ việc trong quá trình xây dựng Nghị định 95, các doanh nghiệp bán lẻ không được tham gia góp ý kiến trong khi là thành phần rất lớn tham gia thị trường. Chính vì không có sự góp ý khách quan của các bên tham gia kinh doanh dẫn đến Nghị định được xây dựng luôn có lợi cho doanh nghiệp đầu mối.

Doanh nghiệp bán lẻ lập luận: "Lẽ ra doanh nghiệp chỉ nên thực hiện chức năng chuyên nhập hàng, không được tham gia trực tiếp vào khâu bán lẻ. Nếu muốn bán lẻ thì phải lập công ty, doanh nghiệp chuyên bán lẻ hạch toán độc lập. Như vậy mới tách bạch và khách quan về chi phí, về lợi ích của các bên. Trong khi đó, Nghị định xây dựng không nghiên cứu kỹ mà nghĩ rằng DN bán lẻ là nằm trong hệ thống của DN đầu mối".

Từ đó, dẫn đến rất nhiều sai lầm và gây ra bao nhiêu hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho DN bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng ra khi giá có xu hướng giảm.

"Họ điều hành hoạt động này bằng đặc quyền riêng của họ mà không hề bị phạt hay quy trách nhiệm. Họ áp dụng triệt để bằng công cụ chiết khấu lên xuống với độ chênh lệch rất lớn theo dạng ban phát. Vì không quy định mức tối đa hay tối thiểu là bao nhiêu nên DN đầu mối tự ý hạ chiết khấu xuống bằng 0đ khi cần thiết và nâng lên trên 1.000đ nếu muốn xả hàng ra để giảm lỗ khi giá có xu hướng giảm sâu", DN bán lẻ nêu trong đơn gửi Thủ tướng.

Ông Giang Chấn Tây dẫn chứng: "Đợt giảm giá vừa qua, giá xăng giảm 1.300đ/l thì trước đó họ tăng chiết khấu lên 1.000-1.200đ/l để xả hàng giảm lỗ và gọi điện kêu mua hàng để giảm lỗ. Khi giá có xu hướng điều chỉnh tăng thì họ giảm chiết khấu xuống xấp xỉ 0đ và tiến hành bán hạn chế, bán theo tiến độ, thậm chí là thông báo hết hàng. Nhưng ngay sau khi điều chỉnh tăng giá xong, được hưởng chênh lệch xong thì họ báo có hàng và bán tự do".

Một bất cập được các DN bán lẻ kêu, họ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng chỉ vì trong Nghị định 95 quy định không rõ ràng, không ghi cụ thể tỷ lệ chi phí và lợi nhuận định mức giữa khâu bán buôn và bán lẻ.

Chính vì không phân chia rõ tỷ lệ các khâu nên DN bán lẻ luôn bị thiệt thòi và bất lợi hoàn toàn, thua lỗ kéo dài.

Ngoài ra, việc quy định cho phép nhà cung cấp (thương nhân phân phối) lấy hàng nhiều nơi đổ cùng 1 bồn để bán như quy định trong Nghị định 95 là bất cập. Quy định như vậy chỉ có lợi cho đầu mối, thương nhân phân phối và không công bằng với bán lẻ.

Do Nghị định số 95 không cho phép doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều nguồn nên nhiều DN bán lẻ đã thành lập thêm các công ty con của gia đình để đối phó nhằm lấy được nhiều nguồn hàng cho hợp pháp theo quy định là 1 DN bán lẻ chỉ lấy được 1 nguồn hàng duy nhất.

Bản thân các DN bán lẻ cho rằng, điều này làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp, nhưng chất lượng không tăng, gây phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi cùng lúc quản lý tới 3 – 4 con dấu, phải điều phối vốn giữa các doanh nghiệp…Về mặt quản lý nhà nước cũng phức tạp hơn, nhất là trong quản lý thuế dù thu thuế không hề tăng thêm đồng nào. 

Từ thực tế trên, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mong Thủ tướng sớm ban hành Nghị định về xăng dầu không trễ hơn quý 2/2023 để giúp cho ngành xăng dầu hoạt động ổn định, hiệu quả, công bằng trong mọi mặt kinh doanh và đảm bảo ổn định an ninh năng lượng quốc gia.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã "suy kiệt"
Sửa Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu cần định vị lại vị thế của doanh nghiệp bán lẻ, việc để khâu bán lẻ luôn thua lỗ, dẫn đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư