Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp lại rối bời vì… lo độc quyền
Khánh An - 24/11/2016 10:42
 
Dù Bộ Công thương đã thông báo về dự định rời thủ tục kiểm tra, dán nhãn từ trước thông quan sang sau thông quan, nhưng nỗi lo về thủ tục phiền phức dường như còn nguyên.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Nhiều sản phẩm đang được Bộ Công thương đề xuất bổ sung vào Danh mục dán nhãn năng lượng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đèn, laptop, bình đun nước nóng có dự trữ, xe ô tô loại 7-9 chỗ, xe mô tô, xe gắn máy là các sản phẩm đang được Bộ Công thương đề xuất bổ sung vào Danh mục dán nhãn năng lượng. Ngay lập tức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản gửi tới Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương). 

“Chúng tôi lo ngại việc thiếu đơn vị được chỉ định thử nghiệm hiệu suất năng lượng sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn hơn trong việc tuân thủ các quy định này”, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI) chia sẻ quan điểm.

Trong văn bản gửi Bộ Công thương, VCCI đã nhắc lại thực tế một doanh nghiệp phải đợi 3 tháng vẫn chưa hoàn tất thủ tục thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho mặt hàng động cơ mà họ nhập về phục vụ sản xuất. Lý do là, chỉ có duy nhất Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) được Bộ Công thương chỉ định thực hiện công việc này. Tuy nhiên, VCCI cho biết, bản thân Quatest 1 lại phải nhờ Nhà máy Động cơ Việt - Hung (Đông Anh, Hà Nội) thực hiện giúp việc này.

“Nếu không có giải pháp rõ ràng, như là mở rộng đơn vị được chỉ định theo những tiêu chí minh bạch hay chấp nhận sử dụng kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm nước ngoài, thì khi danh mục sản phẩm phải dán nhãn năng lượng tăng lên, tình trạng quá tải sẽ tiếp tục trầm trọng. Không những thế, tình trạng độc quyền sẽ khó tránh và hệ quả là doanh nghiệp sẽ chịu gánh nặng về thời gian, chi phí khi thực hiện các quy định này”, ông Đức bình luận.

Đây không phải lần đầu chuyện này được nhắc tới. Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hồi tháng 9/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra câu hỏi lớn về năng lực, bao gồm cả công nghệ và nhân lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định, cũng như tính hiệu quả của quy định về kiểm tra chất lượng nói riêng và kiểm tra chuyên ngành nói chung.

“Khi làm việc với doanh nghiệp, chúng tôi được phản ánh là doanh nghiệp chuyển động cơ tới Quatest 1 ở Hà Nội, nhưng Phiếu kết quả thử nghiệm nhận lại thì do Công ty Việt - Hung đóng dấu. Nhưng điều đáng nói là Công ty Việt - Hung có công nghệ lạc hậu hơn nhiều so với công nghệ của các động cơ hiện nay. Cũng có trường hợp vì động cơ có trọng tải lớn, lên tới hàng tấn, đơn vị được chỉ định đề nghị doanh nghiệp gửi ảnh chụp để kiểm tra. Rõ ràng có sự hình thức trong thực thi các quy định”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) phân tích.

Ngay trong báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Công thương bãi bỏ các quy định “giấy chứng nhận chỉ có giá trị cho từng lô hàng nhập khẩu” và quy định “Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận mới” đối với mặt hàng/model đã được cấp giấy chứng nhận ở lô hàng trước, thay bằng quy định một mặt hàng/model đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận đạt quy định thì các lô hàng nhập khẩu sau đó của tất cả các doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục thử nghiệm cũng như xin giấy chứng nhận dán nhãn.

Đặc biệt, về thời hạn hiệu lực của kết quả thử nghiệm chỉ có 6 tháng theo quy định hiện hành cũng được đề nghị bãi bỏ.

“Chúng tôi đã đề nghị giải pháp dài hạn hơn, đó là phải sửa đổi căn bản Điều 39, Luật Năng lượng theo hướng bỏ quy định thử nghiệm hiệu suất năng lượng tại khâu thông quan, thay bằng quy định doanh nghiệp chỉ được sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định, tự in và dán nhãn, cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra tại khâu lưu thông. Sửa đổi theo hướng này sẽ giải quyết được các vướng mắc nêu trên”, bà Thảo nói.

Amcham phàn nàn về quy định dán nhãn năng lượng
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) lên tiếng phàn nàn về những phiền hà và tốn thời gian trong việc kiểm tra tiêu chuẩn điện năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư