Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp logistics: Lo thiếu vốn và rủi ro pháp lý khi chuyển đổi số
Hồng Phúc - 06/10/2020 16:32
 
Vốn mỏng và lo ngại rủi ro pháp lý là những lý do hàng đầu khiến doanh nghiệp logistics chưa “mặn mà” đầu tư vào các công cụ chuyển đổi số.
.
Tranh chấp liên quan giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử rất dễ xảy ra và phải mất nhiều thời gian để giải quyết khiến doanh nghiệp logistics lo ngại, không mặn mà với chuyển đổi số.

Chưa nhiều doanh nghiệp logistics áp dụng công nghệ

“Tôi từng thành lập công ty trong ngành logistics từ năm 1994 và hoạt động đến năm 2006. Quan sát quá trình chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp trong ngành này hơn 10 năm qua, tôi thấy không có nhiều biến chuyển”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ.

Dịch vụ logistics thường hoạt động theo chuỗi và doanh nghiệp logistics bị chi phối bởi nhiều tác nhân như hải quan, doanh nghiệp, hãng tàu… Song theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chưa có nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao, mà đa phần chỉ áp dụng các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% ứng dụng công nghệ đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là các ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử và khai báo hải quan.

“Thời điểm năm 1994, chuyển 1 container hàng LCL thì mức lợi nhuận có thể từ  3.000 - 4.000 USD, nhưng 10 năm sau đó, mức lợi nhuận này chỉ còn 40 - 60 USD. Biên lợi nhuận thấp, nên doanh nghiệp ngần ngại đầu tư chuyển đổi số”, ông Dũng cho biết thêm.

Những khó khăn trong việc chuyển đối số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics (LSP) được ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký VLA chỉ ra là tài chính, lựa chọn công nghệ thích hợp và yếu tố con người.

Cụ thể, kinh phí để triển khai các giải pháp số hóa trong lĩnh vực logistics cần từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, hơn 80% hội viên VLA là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư.

Trở ngại tiếp theo là các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam, nên doanh nghiệp gặp khó trong việc lựa chọn công nghệ. Thêm vào đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng về khả năng bảo mật, mức độ an toàn, khả năng thanh toán... khi áp dụng các công cụ chuyển đổi số. 

Cần tư vấn pháp lý trước khi chuyển đổi số

Khoảng 30 doanh nghiệp logistics của các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam chiếm đến 70 - 80% thị phần. Họ thuê lại các dịch vụ logistics nội địa như giao nhận vận tải nội địa, kho bãi, xếp dỡ, khai báo hải quan…

Ông Lương Duy Hoài, đồng sáng lập, kiêm CEO Giao hàng nhanh cho biết, một số tập đoàn vận tải lớn của Trung Quốc (như J&T, Best Express…) đã vào Việt Nam. Với nền tảng tài chính mạnh, họ không ngại dốc tiền đầu tư, sẵn sàng đưa ra mức giá không tưởng để đạt mục tiêu giành thị phần.

Vận tải là mảng hoạt động chủ đạo, chiếm gần 60% hoạt động logistics ở Việt Nam. Các doanh nghiệp vận tải Việt Nam dù chỉ chiếm thị phần nhỏ trong vận tải quốc tế (do năng lực cạnh tranh hạn chế), nhưng đang giữ thị phần lớn trong vận tải nội địa (nhờ được bảo vệ bởi các cam kết rất hạn chế hoặc không cam kết mở cửa trong WTO và các hiệp định thương mại tự do).

“Chúng tôi buộc phải đầu tư vào công nghệ. Năm 2019, Giao hàng nhanh vận hành 2 hệ thống phân loại tự động 100% đầu tiên tại Việt Nam với khả năng xử lý 30.000 đơn hàng/giờ, tiết kiệm 600 lao động; rút ngắn thời gian phân loại từ 3 giờ xuống chỉ còn 30 phút và tối ưu hóa tỷ lệ lỗi trong quá trình phân loại xuống xấp xỉ 0%”, ông Hoài chia sẻ.

Trên thực tế, không có nhiều doanh nghiệp áp dụng công cụ số như Giao hàng nhanh, vì cho rằng chưa cần thay đổi vẫn “sống” được, hoặc do thiếu vốn, hoặc lo ngại các giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử không bảo mật, dễ gặp rủi ro pháp lý.

Liên quan vấn đề rủi ro pháp lý, luật sư Ngô Khắc Lễ, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam lấy ví dụ thực tế một vụ tranh chấp về trả hàng nhầm, được xác nhận qua Zalo cá nhân giữa 2 nhân viên của công ty giao nhận và chủ hàng. Hãng tàu trả hàng mà không thu hồi vận đơn gốc do không nhận được chỉ thị giữ hàng.

Một vụ việc khác được luật sư Lễ chia sẻ liên quan đàm phán nội dung hợp đồng bằng email. Các bên (người vận chuyển và người thuê vận chuyển) đã xác nhận đồng ý nội dung hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng email, nhưng chưa ký bản giấy. Người vận chuyển không muốn thực hiện giá cước đã thỏa thuận (vì được chào giá khác cao hơn) và cho rằng mới xác nhận qua email, coi như chưa ký hợp đồng, nên có quyền thay đổi; hợp đồng phải được ký, đóng dấu trên bản giấy thì mới có giá trị thi hành.

Tranh chấp liên quan giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử rất dễ xảy ra và phải mất nhiều thời gian để giải quyết khiến doanh nghiệp logistics lo ngại, không mặn mà với chuyển đổi số.

Để tránh rơi vào trường hợp như trên, luật sư Lễ khuyến nghị, trước khi bắt đầu áp dụng các công cụ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp logistics nên tìm đến sự hỗ trợ từ các tổ chức pháp lý, bởi lĩnh vực logistics là đối tượng của nhiều quy định pháp luật, chính sách mới, mà nếu không am hiểu, doanh nghiệp sẽ là người chịu thiệt.

15% doanh nghiệp logistics bị giảm 50% doanh thu so với năm ngoái
Trước tác động của Covid-19, có khoảng 15% doanh nghiệp logistics bị giảm 50% doanh thu so với năm 2019. Cùng với đó, hơn 50% doanh nghiệp được khảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư