Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp lớn đang khát nhân sự chất lượng cao
Hải Hà - 06/04/2019 09:27
 
Mặc dù là sự kiện tổ chức ở cấp khoa (Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng sự kiện Job Fair 2019 (tổ chức chiều 5/4, tại Hà Nội) đã thu hút tới trên 30 doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp ngoại. Tín hiệu này cho thấy, doanh nghiệp đang thực sự khát nhân sự cấp cao tại Việt Nam.
.
Tùy đặc thù riêng của từng doanh nghiệp nhưng những doanh nghiệp đa quốc gia thường đòi hỏi ở sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn là những kỹ năng cần có như ngoại ngữ, kỹ năng mềm về thái độ ứng xử, giao tiếp, khả năng học hỏi, thử thách....

Điểm mặt những doanh nghiệp tham gia sự kiện này đều là những doanh nghiệp có tên tuổi như KMPG, EY, PwC, Grant Thornton, ICEAW, CPA Australia, Intercontinental Hanoi Westlake, CBRE, A&S Law, Public Bank (Malaysia), Vinpearl….

Ông Nguyễn Quang Thuận, Phó chủ nhiệm khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Những doanh nghiệp lớn đến đây chủ yếu là để săn đầu người. Hàng năm chúng tôi có tới 30% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp 6 tháng. Trong khi đó, về cấp trường, chúng tôi tổ chức sự kiện này nhằm tạo cơ hội việc làm, cơ hội thực hành cho sinh viên, giúp sinh viên phát triển được các kỹ năng mềm mà doanh nghiệp đang cần cùng việc định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho sinh viên năm thứ nhất, thứ 2 để có sự chuẩn bị tốt nhất sau khi ra trường”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, mặc dù sinh viên khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đều được đào tạo bằng tiếng Anh các chuyên ngành kinh doanh quốc tế, kế toán, tài chính, công nghệ thông tin, khách sạn, thể thao, du lịch, quản trị kinh doanh, marketing, quản lý... nhưng các doanh nghiệp cũng không đặt kỳ vọng nhiều. 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Mai Hương, Quản lý nhân sự khách sạn Intercontinental Westlake Hà Nội cho biết: “Đến với sự kiện này, chúng tôi hướng tới mục tiêu tạo cơ hội cho sinh viên thực tập, tìm hiểu nhiều hơn về ngành dịch vụ khách sạn là chủ yếu. Đây cũng là cơ hội để sinh viên chưa có ý định làm việc ở đâu có thể tìm cơ hội làm việc trong ngành khách sạn vì ngành khách sạn có rất nhiều vị trí khác nhau sinh viên có thể ứng tuyển. Khách sạn thường xuyên dành cơ hội thực tập cho sinh viên với số lượng khoảng 50-60 sinh viên mỗi đợt thực tập ít nhất 3 tháng trở lên”.

Mặc dù không tiết lộ con số chính xác sinh viên được nhận vào làm việc sau khi thực tập nhưng bà Hương cho biết, sinh viên có tiếng anh là một lợi thế. Tuy nhiên, theo bà Hương, những kỹ năng mà doanh nghiệp dịch vụ cần nhất vẫn là thái độ và cách ứng xử, giao tiếp và sự cởi mở, sẵn sàng thử thách cũng như học hỏi từ lao động trẻ.

Ở một số ngành đặc thù như công nghệ thông tin thì doanh nghiệp lại càng khó tuyển dụng hơn mặc dù nhu cầu tuyển nhân sự ở những doanh nghiệp này là rất lớn.

Bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng nhân sự IFI Solution (doanh nghiệp có vốn 100% từ Italia) cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi tham dự khoảng 2-3 sự kiện Job Fair của các trường. Điều chúng tôi nhận thấy là ở một số trường kỹ thuật hàng đầu như Bách khoa, chất lượng đào tạo chuyên ngành khá tốt nhưng ngoại ngữ của sinh viên lại không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tại Job Fair 2019 của trường ĐH Quốc gia, chúng tôi đã khá hài lòng vì có thể lựa chọn được khoảng 40 sinh viên năm cuối ngành công nghệ thông tin lọt vào vòng phỏng vấn. Trong số này nếu chọn được khoảng 10-20 người đã là rất quý rồi”.

Bà Hường cũng khẳng định, hiện là thời đại công nghệ 4.0 nên nhu cầu tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin của các doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều khi doanh nghiệp muốn đưa sinh viên Việt Nam vào các dự án ngoại nhưng sinh viên lại không đạt vì lý do ngoại ngữ.

“Ngoài kiến thức chuyên ngành thì chúng tôi chỉ cần ngoại ngữ tiếng anh của sinh viên ở cấp độ cơ bản trình độ B2 hoặc IELTS đạt 5.5-6.0 vì nếu không đạt được ngưỡng này, sinh viên sẽ khó làm với các đối tác ngoại đến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…như doanh nghiệp chúng tôi đang làm vì quy trình kiểm tra đầu vào cho lao động của doanh nghiệp bắt buộc phải có chuyên gia nước ngoài tham gia. Mà vòng phỏng vấn này số lượng người đạt yêu cầu trung bình chỉ chiếm khoảng 30%”, bà Hường nói thêm.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, thông qua sự kiện này, nhiều sinh viên cũng có thể tìm được công việc part time để trau dồi kinh nghiệm.

Đơn cử, tại sự kiện này, Đào  Thị Trà My, sinh viên chuyên ngành khoa kinh doanh quốc tế, khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tìm được cho mình công việc làm thêm cuối tuần tại Công ty VEO, một doanh nghiệp du lịch hướng tới mục đích từ thiện nhằm tạo cơ hội cho mình được thử thách bản thân, trải nghiệm thực tế và học hỏi nhiều kỹ năng chuyên sâu từ các khóa đào tạo của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Dương Thị Lan Anh, sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành tài chính, kinh doanh quốc tế cũng tìm được cho mình một doanh nghiệp.

Mặc dù chưa có ý định tham gia thực tập ngay tại doanh nghiệp này nhưng Lan Anh cho biết sẽ tìm hiểu sâu hơn về doanh nghiệp này để tìm kiếm cơ hội bởi doanh nghiệp này đang đưa ra cho sinh viên những khóa đào tạo chuyên sâu rất sát với những hoạt động của họ và đây cũng là những kỹ năng mà sinh viên như cô đang rất cần trước khi chính thức tốt nghiệp và đi làm.    

Khoa Quốc tế được Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đang triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, giảng dạy và học tập 100% bằng tiếng Anh. Khoa hiện có khoảng hơn 2000 sinh viên và học viên. Ngoài các chương trình đào tạo do Đại học Quốc gia cấp bằng, Khoa Quốc tế hiện cũng đang hợp tác với các trường ĐH Keuka, ĐH Troy của Hoa Kỳ, ĐH East London của Anh, ĐH Canbera của Úc, ĐH Nantes của Cộng Hòa Pháp, ĐH Năng Lượng Matxcova của Công hòa Liên bang Nga, ĐH Lungwah của Đài Loan, ĐH HELP của Malaysia triển khai các chương trình chuyển tiếp, đào tạo liên kết ở bậc đại học và sau đại học.
Đà Nẵng tìm lời giải cho bài toán phát triển nguồn nhân lực
UBND thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức tọa đàm Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ, thu hút sự tham dự của gần 300...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư