Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đầu tư mạnh vào du lịch thông minh, sáng tạo
Bài, ảnh: Hồ Hạ - 24/09/2020 08:24
 
Các hãng lữ hành đang đầu tư mạnh vài các sản phẩm du lịch thông minh, sáng tạo, để hấp dẫn, níu chân và tăng khả năng chi tiêu của du khách khi khám phá Hà Nội.

Tư duy kích cầu du lịch bằng cách giảm giá không phải giải pháp tối ưu trong tình trạng bình thường mới hiện nay. Bởi thế, các hãng lữ hành đang đầu tư mạnh vài các sản phẩm du lịch thông minh, sáng tạo, để hấp dẫn, níu chân và tăng khả năng chi tiêu của du khách khi khám phá Hà Nội.

Đó là những nội dung được trao đổi tại Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo trong phát triển du lịch Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, ngày 23/9.

Du lịch thông minh, sáng tạo lên ngôi

Phát biểu tại Toạn đàm, PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: Đại dịch Covid-19 cho chúng ta thấy, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất và nhiều bài học. Đó là sự cân bằng giữa thị trường du lịch trong nước và quốc tế; việc mở rộng, đa dạng thị trường khách; xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng; và bài học về biến thách thức thành cơ hội...

“Khi bước đầu khống chế được dịch, mọi chính sách và hành động của ngành du lịch phải tập trung phục hồi thị trường du lịch nội địa, ngành kinh tế xanh Hà Nội cũng không phải ngoại lệ. Làm tốt du lịch nội địa, ngành du lịch Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung cũng sẽ tạo thêm được dấu ấn cho thị trường du lịch quốc tế biết đến”, PGS. TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh.

Từ khi Covid-19 ấp đến, xu hướng du lịch đã thay đổi theo hướng đi theo nhóm bạn bè, gia đình nhỏ, đến các khu hẻo lánh; chăm sóc sức khỏe, ngắn ngày, siêu tiết kiệm; mua tour, dịch vụ du lịch online...

Vì thế, PGS. TS Phạm Hồng Long gợi ý, bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch đêm; du lịch ẩm thực... Hà Nội cần đầu tư xây dựng dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh,...

Cùng với đó là dòng sản phẩm du lịch sinh thái, đảm bảo khai thác với quy mô nhỏ, tránh những tác động về môi trường và xã hội. Dòng sản phẩm du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa bản địa cung sẽ hấp dẫn du khách hậu Covid-19. Dòng sản phẩm liên quan tới hoạt động thể thao; dòng sản phẩm du lịch thông minh, du lịch sáng tạo và dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại các khu cách ly cũng cần được chú trọng phát triển dựa trên nhu cầu thực tế của du khách.

Xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ chính người Hà Nội

Đồng tình với những phân tích, gợi ý của PGS.TS Phạm Hồng Long, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn nhưng việc khai thác phát triển du lịch mới dừng ở một góc nhỏ. Ngành du lịch vẫn còn nhiều cơ hội để “biến” thành các sản phẩm du lịch và buộc doanh nghiệp phải thêm “gia vị” để “món ăn” thêm hấp dẫn. Trong đó, việc tạo ra trải nghiệm và tạo cảm xúc cho du khách không dễ nhưng doanh nghiệp cần nghiên cứu, sáng tạo ra.

Đơn cử, tour tham quan di tích Hỏa Lò về đêm mới đưa vào khai thác từ tháng 7 hay tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội” về đêm, dự kiến ra mắt vào đầu tháng 10 do Hanoitourist phối hợp với Ban quản lý hai di tích thực hiện đã thể hiện rõ điều đó.  

Thường lệ, các hãng lữ hành sẽ đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến Hà Nội hay khách Hà Nội đi các địa phương khác. Nhưng trong thời điểm này, nhiều đơn vị chú trọng xây dựng sản phẩm phục vụ ngay chính người Hà Nội. Bởi không phải ai cũng biết nhiều, hiểu nhiều về văn hóa, lịch sử, các giá trị nhân văn văn của Hà Nội. Việc xây dựng dòng sản phẩm này có tính đặc thù cao, có những trải nghiệm độc đáo.

Tương tự, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tiên Phong Travel cho hay, thay vì kết nối nhiều điểm đến như trước, đơn vị này tập trung khai thác các giá trị của 36 phố phường Hà Nội, đưa khách đến tham quan các đền chùa trong khu phố cổ, mua sắm, thưởng thức nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở đây.

“Bản chất các tour này không quá độc đáo nhưng đơn vị làm mới sản phẩm để khác với các tour truyền thống, tạo nhiều hứng thú cho du khách. Bởi chỉ với các đồ ăn sáng, nếu muốn khám phá cần mất 2 tháng mới thưởng thức hết tất cả các món ăn sáng ở đây. Hay nét văn hóa của phố cổ không phải người dân Hà Nội nào cũng biết”, ông Khánh cho hay.

Không chịu kém cạnh, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết: Nếu trước đó các doanh nghiệp xây dựng một sản phẩm tour hoàn chỉnh thì nay các doanh nghiệp có thể làm mới bằng cách phát triển từng phần của sản phẩm du lịch. Một khách sạn, một cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm có thể biến thành sản phẩm du lịch… doanh thu của tất cả nơi đó cũng là doanh thu du lịch.

Hiện nay, thị trường du lịch đang xuất hiện xu hướng du lịch tại chỗ và nắm bắt thị hiếu này, khi dịch COVID-19 tái phát, Flamingo Redtours đã xây dựng sản phẩm du lịch tại chỗ, kết hợp với khách sạn 5 sao tạo dòng sản phẩm phục vụ khách tham quan, giới thiệu lịch sử khu phố Tây, Nhà hát Lớn, khách sạn Sofitel Legend Metropole, Ngân hàng Nhà nước, Nhà khách Chính phủ… kết hợp nghỉ dưỡng tại khách sạn.

Khách không thể đi xa, đã có những “resort” tại chỗ như: Nghỉ dưỡng, tham quan khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake, thưởng lãm cảnh quan hồ Tây.

Ông Nguyễn Công Hoan bật mí, sắp tới, Flamingo Redtour còn tung ra sản phẩm du lịch đặc biệt chưa từng có ở khu công khu tổ hợp Công viên nhỏ. Đây là dòng sản phẩm du lịch lai giữa tất cả các dòng sản phẩm với nhau, bao gồm cả những yếu tố thực tế ảo, trực tuyến, thực cảnh gắn với các chủ đề như: những Tuần du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Tuần du lịch Tây Nguyên, Tuần lễ du lịch Thái Lan, Tuần lễ du lịch Hàn Quốc, Tuần lẽ du lịch Nhật Bản… ngay tại tổ hợp Công viên nhỏ.

“Du khách có thể được xem phim thuyết trình hoặc hướng dẫn viên giới thiệu trực tuyến về đểm đến; được nghe những âm thanh tại điểm đến; được thưởng thức ẩm thực đặc trưng và trực tiếp mua sắm sản phẩm đặc trưng của địa phương đó. Các nhu cầu “thực, trú, hành, lạc, y” của du khách sẽ được đáp ứng khoảng 80 - 90% qua sản phẩm du lịch lai này”, ông Hoan tiết lộ.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp, điểm đến đã chủ động tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng có của Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp, điểm đến tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác lâu dài để thu hút khách đến với Thủ đô.

Du lịch Hà Nội hợp sức thực hiện mục tiêu kép
Trước sự “càn quét” của Covid-19, ngành du lịch Thủ đô đang hợp sức để thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư