Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn về đêm: “Át chủ bài” của du lịch Thủ đô hậu Covid-19
Hồ Hạ - 09/09/2020 14:19
 
Xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm là giải pháp được nhiều điểm đến tại Hà Nội đã và đang triển khai nhằm thu hút cũng như níu chân và khiến du khách móc hầu bao nhiều hơn.

Đây cũng được xem là “át chủ bài” giúp du lịch Thủ đô bứt phá hậu Covid-19.

Du khách chọn món ăn tại chợ đêm khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Hồ Hạ
Du khách chọn món ăn tại chợ đêm khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Hồ Hạ

“Vẽ màu đêm” cho du lịch Hà Nội

“Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện là sản phẩm du lịch về đêm đầu tiên ở di tích tại Hà Nội. Ngay khi đưa vào khai thác hồi cuối tháng 6/2020, “món ăn” mới lạ này lập tức tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách. Trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 hồi cuối tháng 7, điểm đến này hầu như đêm nào cũng cháy vé. Điều đó mở ra hướng đi mới hứa hẹn nhiều thành công cho các di tích, danh thắng khác trên địa bàn Thủ đô.

Cũng bởi thế, ngay trong những ngày đầu dịch Covid-19 “đánh bồi”, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tận dụng thời gian này để nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm vực dậy hoạt động du lịch ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng sản phẩm du lịch về đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng cách kết hợp hình thức chiếu ánh sáng công nghệ cao với chương trình thực cảnh”.

Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh Nguyễn Thị Yến cho hay: “Chúng tôi sẽ giới thiệu tới du khách nhiều câu chuyện hấp dẫn về các triều đại tại Hoàng thành, mang đến sự khác biệt so với sản phẩm trước đây”.

Đặc biệt, tiếp nối thành công sau 4 năm thí điểm và tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và lùi giờ hoạt động của phố đi bộ đến 2 giờ sáng hôm sau, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, quận đã có đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xây dựng các tuyến phố mua sắm kết hợp ẩm thực, tăng cường tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí vào buổi tối để thu hút du khách.

Dự kiến, hoạt động kinh tế đêm tại quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; du lịch; vận chuyển; tài chính, ngân hàng

Không gian ưu tiên khai thác gồm khu vực đi bộ quanh hồ Gươm, phụ cận và khu phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố trong khu phố cổ; thiết lập các khu vực mua sắm tập trung, mua sắm chuyên đề phục vụ nhu cầu của du khách cùng với việc nâng cấp chất lượng dịch vụ tại hệ thống các trung tâm thương mại, chợ, điểm mua sắm sẵn có trên địa bàn.

Đáng chú ý, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không giới hạn thời gian, tức là hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần. Các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ 6 đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần. Còn những hoạt động ngoài trời và các điểm di tích, di sản mở cửa đến 24 giờ hàng ngày.

Ông Quân cho biết, những năm gần đây, số lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn tăng nhanh (năm 2016 đạt 1,4 triệu lượt, năm 2017 đạt 1,8 triệu lượt, năm 2018 đạt 2,1 triệu lượt, năm 2019 đạt 2,35 triệu lượt). Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.

“Hơn nữa, khách quốc tế đến từ châu Âu, Mỹ, Australia… đã quen với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm tại nước của họ, nên họ cũng kỳ vọng sẽ được khám phá những nét đặc sắc ở sản phẩm du lịch đêm tại điểm đến du lịch Việt Nam”, ông Quân chia sẻ.

“Tiếp sức” cho du lịch về đêm

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề, hoạt động mới, nhất là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống. Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau. Đây là cơ sở để Hà Nội xây dựng sản phẩm du lịch về đêm.

Khẳng định việc phát triển các sản phẩm du lịch về đêm là “át chủ bài” để kích cầu du lịch, khắc phục hậu quả Covid-19, cũng như tạo đà phát triển bền vững cho du lịch Thủ đô, ông Hiếu cho biết: “Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng nhiều đơn vị khác xây dựng thêm chương trình quảng bá văn hóa, du lịch tại các điểm đến. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ các điểm đến quảng bá sản phẩm du lịch mới bằng hình thức trực tuyến”.

Trong 8 tháng năm 2020, du khách đến Hà Nội đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,02 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 43.699 tỷ đồng).

Để phát huy hiệu quả mô hình này, các đơn vị cần có thêm giải pháp, nhằm bảo đảm tính bền vững trong việc tổ chức hoạt động du lịch đêm. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, hoạt động du lịch hiện nay chưa dừng hẳn. Vì thế, các đơn vị cần đánh giá, phân tích thị trường, hướng khách đến những vùng, điểm du lịch chưa có dịch. Lúc này, các đơn vị không thực hiện những đoàn du khách đông, mà cần xây dựng những sản phẩm dành cho những nhóm khách nhỏ như gia đình, bạn bè.

“Song song với đó, các điểm đến có nhiều tiềm năng cần nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực để xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn về đêm, nhằm kích thích nhu cầu của chính 10 triệu người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cũng như du khách trong nước và quốc tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Xuân Kiêu cho rằng, muốn hoạt động du lịch đêm Hà Nội phát triển, cần có sự liên kết của các điểm đến, tạo thành những tour du lịch trải nghiệm khép kín. Các đơn vị quản lý điểm đến cần phối hợp với các đơn vị lữ hành để hướng dẫn, đưa đón khách chu đáo, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan bổ sung, cần có quy hoạch đối với các sản phẩm du lịch đêm để tránh tình trạng hoạt động xô bồ hoặc cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tạo hành lang pháp lý cho các sản phẩm du lịch về đêm, bảo đảm khoảng cách cần thiết đối với các khu dân cư, giảm tiếng ồn, bố trí đèn chiếu sáng khoa học, hợp lý để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân...

Để tiếp sức cho du lịch về đêm, Hà Nội sẽ lắp đặt hệ thống wifi công cộng miễn phí tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố. Mặt khác, TP. Hà Nội đang nghiên cứu mở rộng thí điểm mô hình xe điện vận chuyển khách du lịch theo khu vực trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh khu vực phố cổ và hồ Gươm, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất mở rộng tuyến đường xe điện hoạt động tại 8 địa điểm, khu du lịch, gồm Vườn quốc gia Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Hương, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), Thiên Sơn - Suối Ngà, Công viên Yên Sở và Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao.

Ngành du lịch Hà Nội kỳ vọng một kịch bản phục hồi sớm và đặt mục tiêu năm 2021 đón 100% khách nội địa, 70% khách quốc tế so với năm 2019. Năm 2022, lượng khách nội địa dự kiến tăng 8% so với năm 2021. Từ năm 2023 đến 2025, lượng khách cơ bản tăng trưởng ổn định với mức tăng từ 8 -9%/năm...

Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu cho Thành phố lựa chọn và ưu tiên đầu tư để các khu, điểm du lịch trọng điểm sớm trở thành khu, điểm du lịch chất lượng cao nhằm du khách ở lại lâu hơn, chi nhiều tiền hơn; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhất là các sản phẩm thế mạnh, mang bản sắc - đặc trưng Hà Nội; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử trong hoạt động quảng bá, kinh doanh du lịch, tạo đà bứt phá trong tương lai…

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội
7 tháng, doanh thu du lịch Hà Nội ước đạt 22.426 tỷ đồng
7 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,13 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư