Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp muốn chủ động về lương lũy tiến và giờ làm thêm
Trần Hà - 19/05/2019 13:23
 
Đề xuất tăng giờ làm thêm, nhưng không cần quy định cứng mức lương lũy tiến trong thời gian làm thêm là những nội dung nhận được nhiều kiến nghị nhất trong hội thảo mới đây góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ cộng đồng doanh nghiệp.
.
Quy định về giờ làm thêm và lương lũy tiến được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi.

Mong muốn tăng giờ làm thêm

Là một trong những ngành chịu tác động rõ rệt từ quy định làm thêm giờ, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam tỏ ra khá vui mừng khi Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã bỏ quy định làm thêm giờ theo tháng, bởi đây là mấu chốt gây ra vướng mắc cho doanh nghiệp. 

“Bộ luật Lao động hiện hành quy định, số giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 30 giờ/tháng, là mức rất ngặt nghèo cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm trong ngành dệt may, da giày. Tuy nhiên, trong Dự thảo vẫn quy định doanh nghiệp phải đảm bảo số giờ làm thêm không quá 200 giờ và trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 400 giờ/năm. Điều này là không phù hợp thực tế doanh nghiệp, nên chúng tôi đề nghị nới rộng giờ làm thêm tăng lên 50% so với hiện hành ở những ngành lao động bình thường, nhưng với một số ngành đặc biệt là 450 giờ”, ông Cẩm nói.

Trong khi đó, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, điểm nghẽn lớn chưa được giải quyết tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, đó chính là giờ làm thêm.

“Trước đây quy định, cứ doanh nghiệp gia công xuất khẩu được tăng giờ làm thêm 300 giờ, nhưng hiện nay cắt giảm, chỉ quy định cứng còn 200 giờ cho tất cả các ngành nghề. Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam đang khắt khe hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong khi đó, quy định một số ngành đặc biệt được nâng 400 giờ, nhưng doanh nghiệp vẫn hoang mang trong xác định ngành đặc biệt. Quy định này cũng tạo sự bất bình đẳng, bởi đâu là doanh nghiệp bình thường, đâu là doanh nghiệp đặc biệt”, bà Huyền nhấn mạnh.

Nhìn vào mức quy định trần giờ làm thêm hàng năm, bà Huyền cũng đưa ra đề xuất mở rộng lên mức 450 giờ và những ngành nghề như IT, ngành nghiên cứu phát triển sản phẩm… có thể tăng lên đến 500 giờ/năm.

Cùng quan điểm, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, thời gian làm thêm như quy định hiện hành chưa phù hợp, nhất là đối với các ngành sản xuất trực tiếp.

“Với mức đề xuất giờ làm thêm cao nhất là không quá 400 giờ/năm là con số rất cơ học. Trong tất cả các văn bản kiến nghị, chúng tôi đều đưa ra các phân tích dựa trên tính pháp lý, thông lệ quốc tế và câu chuyện thực tiễn. Đơn cử, ngành chúng tôi, khai thác hải sản phụ thuộc thời tiết rất lớn, có lúc biển động phải nghỉ, lúc vào vụ phải tranh thủ cho kịp... Do đó, chúng tôi đề xuất tăng giờ làm thêm lên 450 giờ/năm”, ông Nam nói.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng cho rằng, ngay cả với quy định giờ làm thêm tối đa 300 giờ như trong luật hiện nay, đa số doanh nghiệp đều vi phạm khi phải tăng ca nhiều hơn cho kịp đơn hàng.

Liên quan tới nội dung này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không phải ngành nghề nào cũng sẽ cần tăng giờ làm thêm, do đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ phải có báo cáo trước Quốc hội về danh mục ngành nghề lĩnh vực được tăng giờ làm thêm. 

Để doanh nghiệp thỏa thuận về lương lũy tiến

Một vấn đề cũng được các doanh nghiệp sôi nổi góp ý là về thỏa thuận tiền lương lũy tiến. Ông Bùi Đức Thịnh cho biết, chi phí tiền lương chỉ cần tăng 1%, thì chi phí doanh nghiệp sẽ tăng từ 10-12%, điều này khiến doanh nghiệp Việt “mãi không lớn”, vì không còn tích lũy. Bởi vậy, nếu quy định cứng lương lũy tiến trong giờ làm thêm sẽ càng đè nặng chi phí lên doanh nghiệp.

“Có nhiều trường hợp người lao động được giao nhiệm vụ làm 8 giờ không xong, buộc phải kéo dài thời gian để hoàn thành, chứ không hẳn cứ quá 8 giờ là doanh nghiệp phải trả thêm tiền”, ông Thịnh nói. 

Trong khi đó, theo bà Đào Thị Thu Huyền, tiền lương tăng ca tính theo bậc thang lũy tiến là không cần thiết, làm phát sinh thêm chi phí doanh nghiệp vì luật đã cho phép chủ sử dụng và người lao động có quyền đàm phán đi đến thống nhất.

Xu hướng của thế giới là giảm giờ làm, nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, cần thiết phải tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, vấn đề tiền lương lũy tiến cần cân nhắc.

“Bản chất của làm thêm giờ là bù đắp năng suất lao động chưa cân bằng, nếu chúng ta mong muốn vừa tăng làm thêm giờ, vừa tăng lũy tiến về tiền lương thì tất cả các chi phí đầu vào đều tăng và sẽ đánh sập doanh nghiệp. Trong khi đó, giá gia công hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể, lợi nhuận của doanh nghiệp đương nhiên sẽ giảm, đến một lúc nào đó doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại được”, ông Huân nhấn mạnh.

Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết, luật hiện hành đang quy định trả lương cao hơn bình thường 100%, 250%, 300%, nhưng dự thảo sẽ có cơ chế thúc đẩy thương lượng, việc trả lương lũy tiến trong thời gian làm thêm giờ sẽ do hai bên thỏa thuận.

Đại diện Vụ Pháp chế cũng nhấn mạnh, dù nhận được nhiều ý kiến đề xuất nên quy định cứng tiền lương lũy tiến làm thêm giờ trong luật, nhưng cơ quan soạn thảo cho rằng, nếu quy định cứng thì thực tế sẽ làm mất đi sự linh hoạt trong thỏa thuận của hai bên, hiện rất ít quốc gia trên thế giới đưa quy định này vào luật.

Nhật Bản áp dụng quy định mới về số giờ làm thêm của người lao động
Nhật Bản quy định về nguyên tắc thời gian làm việc ngoài giờ của người lao động chỉ được tối đa 45 giờ một tháng và 360 giờ một năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư