Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp ngoại mở rộng dịch vụ logistics
Thành Vân - 15/09/2024 15:23
 
Công ty nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường logistics Việt Nam để khai thác tiềm năng vận tải thương mại xuyên biên giới.
TIN LIÊN QUAN

Ra mắt dịch vụ mới

Giữa tháng 8/2024, Tập đoàn vận tải FESCO - một trong những công ty logistics lớn nhất của Nga, đã khai trương tuyến đường biển mới giữa Việt Nam và Malaysia, nhằm mở rộng tuyến giao thương quốc tế. Dịch vụ sẽ được khai thác thường xuyên mỗi 8-9 ngày, thời gian vận chuyển giữa các cảng là 3 ngày.

Ông Priskoka Aleksandr, đại diện FESCO chia sẻ: “Đây là tuyến dịch vụ nội Á đầu tiên của chúng tôi mà không ghé cảng Nga. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về dịch vụ này đang gia tăng. Chuyến tàu đầu tiên từ Malaysia đã đến Việt Nam với đầy hàng hóa và rời đi với 70% hàng hóa”.

Ngoài tuyến này, FESCO cũng vận chuyển container bằng đường biển qua kênh đào Suez với dịch vụ FESCO Baltorient Line từ cảng Việt Nam đến St. Petersburg. Những hàng hóa phổ biến được vận chuyển từ Nga là nhôm, vật liệu xây dựng, vật liệu polyme, khoáng sản, thực phẩm trẻ em, mỹ phẩm và hóa chất. Hàng hóa từ Việt Nam chủ yếu là thực phẩm, cà phê, trái cây, rau quả và áo quần. Trong hai năm hoạt động, lưu lượng container trên tuyến đã tăng 2,4 lần.

“FESCO cũng vận chuyển 50.000 TEU giữa các cảng Việt Nam và Vladivostok từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2024, bao gồm hàng hóa của Việt Nam và các nước khác trong Đông Nam Á. Tăng cường hợp tác giữa Nga và Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Tập đoàn dự kiến tăng công suất và phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa trong khu vực”, ông Aleksandr nhấn mạnh.

Tương tự, giữa tháng 8 vừa qua, Alibaba.com ra mắt dịch vụ logistics trực tuyến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Theo đó, Alibaba.com hợp tác với các công ty giao hàng nhanh quốc tế hàng đầu như UPS và DHL, với mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Thông qua các đối tác chuyển phát nhanh quốc tế, Alibaba.com sẽ đảm bảo hàng hóa được vận chuyển an toàn và đúng lịch trình, đồng thời cung cấp các công cụ theo dõi đơn hàng chi tiết, dịch vụ tư vấn hải quan và các giải pháp bảo hiểm hàng hóa toàn diện. Những tính năng này giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bà Vianne Wang, Giám đốc Dịch vụ Chuỗi cung ứng toàn cầu của Alibaba.com chia sẻ: “Bằng cách tận dụng các công nghệ tiên tiến và các giải pháp toàn diện, Alibaba.com hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo giao hàng đúng hẹn và phản ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường, từ đó thúc đẩy sự phát triển và thành công của họ trên đấu trường toàn cầu”.

Khai thác tiềm năng thị trường

Trong khi đó, Công ty giao nhận hàng hóa Flexport (trụ sở tại Hoa Kỳ) có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, bao gồm phát triển sản phẩm đường biển và hàng không, tích hợp dịch vụ hậu cần trong nước cho các thương hiệu toàn cầu và giới thiệu sản phẩm giúp khách hàng quản lý chuỗi cung ứng linh hoạt theo thời gian thực.

Để gần khách hàng Việt Nam hơn, FESCO đã thành lập văn phòng tại TP.HCM. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục ra mắt những dịch vụ logistics mới và phát triển những dịch vụ hiện có. “Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của Tập đoàn. Năm 2022, FESCO chính thức ra mắt tuyến đường biển trực tiếp nối cảng Vladivostok với cảng Hải Phòng và TP.HCM.

Ông Sanne Manders, Chủ tịch Flexport cho biết, nhiều khách hàng lâu năm của Flexport đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua việc tăng cường tìm nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp Việt Nam, thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam cho các hoạt động logistics và chuỗi cung ứng. Công ty đang nắm bắt các xu hướng toàn cầu để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng các xu hướng vĩ mô tích cực tại Việt Nam, nhằm định vị công ty và phục vụ khách hàng tốt hơn.

“Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong các trung tâm sản xuất và logistics trong dài hạn, khi các công ty logistics nước ngoài rót vốn đầu tư vào đây. Các dự báo cho thấy, thị trường vận tải hàng hóa/logistics của Việt Nam dự kiến ​​đạt tốc độ tăng trưởng 6,64% từ nay đến năm 2032. Những chỉ số tích cực này càng củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm cho các hoạt động logistics trong khu vực”, ông Manders nhận định.

Logistics đóng vai trò “mạch máu” cho nền kinh tế, là cầu nối quan trọng trong giao thương hàng hóa quốc gia và phạm vi toàn cầu. Tiềm năng của ngành càng được khẳng định hơn với tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời gian qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 511 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhận định về tiềm năng của ngành logistics Việt Nam, ông Aleksandr từ FESCO cho rằng, ngành logistics ngày càng phát triển trong bối cảnh nhiều cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển đến Việt Nam. Trong những năm tới, khối lượng vận tải nội Á sẽ tăng lên và sự phục hồi của thương mại xuyên biên giới sẽ là một cú hích cho ngành logistics của Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư