Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp nhà nước cũng “than trời” về thủ tục đất đai
Trọng Tín - 16/08/2022 08:18
 
Không riêng doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP.HCM cũng gặp khó khăn, thậm chí có thể phải giải thể do những vướng mắc về thủ tục đất đai.

Rắc rối vì đổi tên

Trước năm 2010, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn có 3 khu đất được ký hợp đồng thuê và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên (MTV), doanh nghiệp này gặp nhiều rắc rối liên quan đến đất đai.

Bà Nguyễn Thanh Thảo, đại diện Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn cho biết, do chủ quan, trên hợp đồng thuê đất vẫn ghi là “Tổng công ty”, nên đến năm 2021, khi doanh nghiệp xin giảm tiền thuê đất, tiền thuế, xác định đơn giá thuê đất, thì cơ quan thuế không đồng ý. Để tiến hành các thủ tục trên, doanh nghiệp phải xin điều chỉnh tên trên hợp đồng. Việc điều chỉnh này mất rất nhiều công đoạn và đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, bà Thảo thông tin thêm, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn có một số khu đất được phê duyệt thực hiện dự án, công trình đã đưa vào sử dụng. Nhưng khi doanh nghiệp làm thủ tục cập nhập tài sản vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trả lời, phải “chờ ý kiến” theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

“Chúng tôi thấy không hợp lý, khi doanh nghiệp phải đợi theo Nghị định 167, vì ở đây không phải xin thuê đất mới, mà hồ sơ đã đầy đủ, chỉ là vấn đề về hành chính”, bà Thảo nói.

Tương tự, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - MTV (SATRA) cũng được chấp thuận chủ trương làm chủ đầu tư dự án thương mại dịch vụ văn phòng, khách sạn tại vị trí Thương xá Tax vào năm 2010. Diện tích đất gồm 2 phần: phần thuộc Thương xá Tax, UBND TP.HCM đã có quyết định giao SATRA quản lý, quyết định giao tài sản cố định để chuyển đổi thành công ty TNHH MTV; phần diện tích thuộc nhà nước quản lý và sở hữu cá nhân, doanh nghiệp đã tạm ứng tiền thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo phương án phê duyệt của UBND TP.HCM.

SATRA đã thực hiện một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng đến nay chưa được giao làm nhà đầu tư dự án (theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014), chưa được giao đất thực hiện dự án (theo Luật Đất đai năm 2013).

Vẫn tiếp tục chờ

Bà Trương Thị Hương Giang, kiểm soát viên của Tổng công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin (Liksin) chia sẻ, có quá nhiều vấn đề về đất đai đang gây khó khăn, thậm chí có thể giết chết không ít doanh nghiệp nhà nước.

Bà Giang cho hay, trước năm 1997, doanh nghiệp nhà nước được giao đất, có doanh nghiệp trả tiền thuê đất với giá vài ngàn đồng một mét vuông, có doanh nghiệp không phải đóng tiền. Nay doanh nghiệp làm đơn xin điều chỉnh giá và làm đơn xin nộp tiền thuê đất, nhưng không được chấp thuận. Càng để lâu, giá thuê đất càng cao và doanh nghiệp sẽ không đủ tiền nộp tiền thuê đất. Nếu tình trạng này không được giải quyết, nhiều doanh nghiệp nhà nước ở TP.HCM sẽ phải giải thể.

Trước bức xúc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Như Bình, Trưởng phòng Kinh tế đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính đã có nhiều văn bản kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, các bộ, ngành cho biết sẽ sửa thông tư, nghị định và sửa luật, nhưng từ sửa luật đến thông tư, nghị định là cả một quá trình dài.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất không chỉ đối với doanh nghiệp nhà nước, mà cả doanh nghiệp tư nhân. Để xác định giá đất nhanh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình UBND Thành phố kiến nghị Trung ương áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Nếu được, sẽ tháo gỡ các vướng mắc về tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, tất cả doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng nhà và đất đều phải thực hiện theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, sau đó mới xử lý theo quy định của Luật Đất đai.

“Ví dụ, vấn đề tên cũ, tên mới, khi đã có quyết định phê duyệt tổng thể, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ pháp lý có liên quan để xử lý lại. Cụ thể, doanh nghiệp phải trình lại toàn bộ hồ sơ để cơ quan chức năng có phương án xử lý đúng đối tượng, đúng với tên của doanh nghiệp như hiện nay”, ông Thắng nói.

Doanh nghiệp nhà nước tỷ USD và nỗi ấm ức “sợ” làm - Kỳ 1: Những gương mặt tỷ đô
Không quá khó khi dự báo sớm 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD vào năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư