Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Nhật hối thúc đầu tư
Bảo Duy - 30/07/2013 06:51
 
Kế hoạch Hành động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V đã khởi động, với 5/13 vấn đề trực tiếp đề cập cơ hội thu hút đầu tư mới vào Việt Nam.

Năm vấn đề nêu trên là phân phối, bán lẻ; các hoạt động phi ngân hàng; an toàn thực phẩm và chế biến thực phẩm xuất khẩu; thúc đẩy dự án hạ tầng sử dụng nguồn vốn tư nhân; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; xây dựng và phát triển ngành ô tô.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến đầu tư chính
của doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: Đ.T)

Như vậy, ngoài các nội dung liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam như những giai đoạn trước của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, mối quan tâm trực diện tới các lĩnh vực đầu tư của giới đầu tư Nhật Bản phần nào phản ánh sự sốt ruột của họ với những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Takahashi Kyohei, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) khi bàn về các kế hoạch hành động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V đã thẳng thắn cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của chuỗi cung cấp trong thị trường các nước ASEAN, khi năm 2015, cam kết xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thực hiện.

Trong tiến trình này, có thể thấy, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang muốn nhanh chân đặt địa điểm sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng phải nói thêm, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có mức tăng nhanh trong 2 năm trở lại đây, với mức tăng khoảng 15% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012.

Tuy nhiên, ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho rằng, mức tăng trưởng như hiện nay chưa phải là điều mà các DN Nhật Bản mong muốn. “Chúng tôi đang tính tới giai đoạn mà Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, Thái Lan, sẽ là điểm đến chính của nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, có 3 trở ngại lớn cần nhanh chóng giải tỏa, đó là tốc độ triển khai dự án, tính khả thi của các chính sách và sự cân bằng trong lựa chọn địa điểm đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản tại các địa phương của Việt Nam”, ông Yamaoka nói.

“Bất cứ DN Nhật Bản nào lần đầu đến Việt Nam đều tìm hiểu thực tế triển khai những dự án đi trước, bởi lo ngại sự khác biệt giữa quy định và thực tế sẽ làm hỏng các kế hoạch của họ”, ông Yamaoka phân tích.

Nếu nhìn vào thực tiễn triển khai các dự án đầu tư, có thể thấy, thời gian từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khi triển khai dự án thường mất tới vài năm, thập chí có dự án quy mô lớn mất tới 5 năm. “Trong lúc này, các nhà đầu tư Nhật Bản không thể chờ đợi lâu như vậy”, ông Yamaoka nhấn mạnh.

Hơn thế, đa phần DN Nhật Bản tìm đến Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ - lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút. Tuy nhiên, phân tích của Nhóm WT12 về liên kết Chiến lược Công nghiệp hóa của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V cho thấy, các DN này của Nhật Bản gần như bế tắc trong việc tìm kiếm DN phụ trợ của Việt Nam.

“Một DN Nhật Bản đang triển khai dự án với Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) nhằm tìm DN Việt Nam phối hợp trực tiếp của DN Nhật Bản trong quản lý sản xuất, đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thời gian của DN Nhật Bản. Tuy nhiên, rất ít DN Việt Nam tích cực tham gia. Có cảm giác như DN Việt Nam không mặn mà lắm với cơ hội làm ăn này”, báo cáo của nhóm W T 12 phân tích.

Cũng phải nói thêm, đây là một trong những lý do có sự mất cân đối trong lựa chọn địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Trong số 1.800 dự án đầu tư của Nhật Bản tại 36 tỉnh của Việt Nam, có tới 886 dự án tập trung tại 7 tỉnh.

“Sự tập trung quá mức đang tạo áp lực cả về lao động, chi phí, hạ tầng cho chính các doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi đã nhận được các đề nghị phối hợp thu hút đầu tư của các tỉnh chưa có dự án của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu không có chính sách dành cho các DN tiên phong, thì khả năng kéo các nhà đầu tư mới vào địa bàn không thực sự hấp dẫn sẽ không dễ dàng”, ông Hirokazu Yamaoka chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư