Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 07 năm 2025,
Doanh nghiệp nhỏ còn dè dặt trước Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS
Hồng Vân - 24/07/2025 15:54
 
Áp dụng IFRS tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế hội nhập. Tuy nhiên, nhận thức và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam về lĩnh vực này vẫn còn khá hạn chế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nền tảng để nâng cao uy tín doanh nghiệp, thu hút đầu tư

Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam đang dần trở thành một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thị trường toàn cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Đào tạo Công ty Tư vấn Kế toán - Kiểm toán Auditcare & Partners Việt Nam (ACV), dù một số doanh nghiệp đã công bố áp dụng IFRS, thực tế việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế hay chỉ chuyển đổi hình thức vẫn còn nhiều thách thức.

Bà Thủy nhận định rằng khối ngân hàng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhận thức khá cao về lợi ích của IFRS. Các đơn vị này chủ động tổ chức đào tạo, như Ngân hàng Quân đội (MB) với các khóa đào tạo IFRS, trong đó có chương trình của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA).

Việc áp dụng IFRS không chỉ mang lại lợi ích riêng cho từng doanh nghiệp mà còn tác động sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế. Ảnh tư liệu.

Cộng đồng kế toán - tài chính cũng tích cực trao đổi, nâng cao kỹ năng về IFRS. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là khối khởi nghiệp, nhận thức và nguồn lực áp dụng IFRS còn hạn chế do chi phí tuyển dụng nhân sự trình độ cao và thiếu hướng dẫn rõ ràng về chính sách, đặc biệt là định giá tài sản.

Ngược lại, tại các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp niêm yết và tập đoàn lớn, việc áp dụng IFRS ngày càng phổ biến, nhờ các chương trình đào tạo do Bộ Tài chính và Chính phủ hỗ trợ, cùng với các khóa học bằng tiếng Việt và chứng chỉ IFRS chính thức do ACCA phối hợp cấp.

Điều cốt lõi là doanh nghiệp có nhu cầu lập báo cáo tài chính minh bạch để trình bày với nhà đầu tư, làm việc với ngân hàng, tiếp cận nguồn vốn tín dụng hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Việc áp dụng IFRS giúp chuẩn hóa thông tin, tạo tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế cung cấp cái nhìn rõ ràng về tình hình tài chính, công nợ và hiệu quả sử dụng vốn tại thời điểm lập báo cáo.

Đặc biệt, IFRS góp phần bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, nhất là cđông thiểu số, những người chủ yếu dựa vào báo cáo tài chính đđưa ra quyết định. Báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS có giá trị tương đương với báo cáo của các quốc gia khác, tđó nâng cao mức độ tin cậy và hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy hoạt động mua cổ phiếu, trái phiếu và gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Nhu cầu lập báo cáo tài chính minh bạch để trình bày với nhà đầu tư, ngân hàng và đối tác quốc tế là động lực quan trọng, giúp chuẩn hóa thông tin tài chính, bảo vệ quyền cổ đông thiểu số và nâng cao độ tin cậy trên thị trường vốn quốc tế. Đây cũng là cơ sở thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường quản trị nội bộ và hoạt động hiệu quả hơn.

"Bản chất IFRS không khác nhiều so với VAS (chuẩn mực kế toán Việt Nam), đều nhấn mạnh tính trung thực, minh bạch và rõ ràng trong báo cáo tài chính. Đây chính là nền tảng để nâng cao uy tín doanh nghiệp, thu hút đầu tư và góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai gần" - bà Thủy nhấn mạnh.

Nếu có quyết tâm, việc áp dụng IFRS trong 2-3 năm là khả thi

Ở góc độ quản lý, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) khẳng định việc áp dụng IFRS không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn đặc biệt cần thiết đối với Việt Nam, nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tới 165% GDP.

Ông Vinh cho rằng, IFRS giúp nâng cao tính minh bạch và chất lượng báo cáo tài chính, là yếu tố quan trọng để các tổ chức quốc tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ, cũng như nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc chưa triển khai IFRS là rào cản khiến nhiều tổ chức còn thận trọng.

Đại diện Bộ Tài chính cũng chỉ ra lợi ích thiết thực của IFRS trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng huy động vốn qua thị trường quốc tế hay vay vốn tổ chức tài chính toàn cầu. IFRS giúp giảm chi phí huy động vốn, tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Là “ngôn ngữ kinh doanh” toàn cầu, IFRS giúp đồng thuận trong đánh giá doanh nghiệp, thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh, IFRS không chỉ là hệ thống kỹ thuật kế toán mà còn góp phần đổi mới tư duy quản lý, chính sách, thúc đẩy tinh thần cải cách và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thực tế các tập đoàn đa quốc gia như IBM, Samsung, Microsoft đã áp dụng IFRS tại Việt Nam và thường xuyên thực hiện chuyển đổi báo cáo từ VAS sang IFRS cuối kỳ, tạo ra chi phí không nhỏ. Việc này đặt ra câu hỏi tại sao không lập báo cáo IFRS ngay từ đầu, trong khi nhiều điểm của IFRS lại dễ hiểu hơn VAS, nhất là về trình bày và minh bạch thông tin.

Về phía cơ quan Thuế, dù doanh nghiệp lập báo cáo theo VAS (Chuẩn mực Kế toán Việt Nam) hay IFRS, vẫn phải điều chỉnh các chênh lệch theo chính sách thuế - là quy trình thường xuyên và tất yếu. Chuẩn mực Kế toán quốc tế số 12 (IAS 12) về thuế thu nhập doanh nghiệp, dù thuộc hệ thống IFRS, đã được áp dụng phổ biến hơn 20 năm và vẫn được vận dụng hiệu quả.

Việc chuẩn bị nguồn lực kế toán - tài chính để tiếp cận trên 40 chuẩn mực quốc tế hiện hành, đồng thời đạt các chứng chỉ chuyên môn quốc tế, là bước chuẩn bị cần thiết giúp doanh nghiệp sẵn sàng khi Bộ Tài chính triển khai áp dụng IFRS rộng rãi hoặc tự nguyện thực hiện theo Quyết định số 345/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 16/3/2020.

Nhiều doanh nghiệp lớn và ngân hàng như Techcombank đã áp dụng song song báo cáo IFRS và VAS từ lâu, góp phần nâng cao minh bạch tài chính và thu hút đầu tư. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu có quyết tâm và kế hoạch bài bản, việc áp dụng IFRS trong vòng 2-3 năm hoàn toàn khả thi, đặc biệt khi IFRS không quá phức tạp nếu tiếp cận đúng cách và có sự hỗ trợ chính sách phù hợp.

Tác động của IFRS đối với báo cáo tài chính
Hội thảo "Tác động của IFRS đối với Báo cáo tài chính" vừa được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư