Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc
Hoài Sương - 19/04/2023 18:08
 
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc còn khiêm tốn, mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi các FTA.

Tiềm năng còn bị bỏ ngỏ

Ngày 19/4, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới”.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin: “Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nền kinh tế lớn và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3% mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi với Nhật Bản, Hàn Quốc các FTA”.

Cụ thể, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản như: AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP và Hàn Quốc như: AKFTA, VKFTA, RCEP.

Các đại biểu giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu tại hội thảo.
Các đại biểu giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu tại hội thảo.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương chia sẻ: “Từ các số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đi Nhật Bản, Hàn Quốc có thể thấy được tiềm năng và các cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt không còn là thuế quan mà còn ở mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao và tính bền vững đối với môi trường - xã hội”.

Điển hình như nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Nhật bản là 24 tỷ USD/năm. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đi khắp thế giới hơn 40 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản mới chỉ đạt 2,9 tỷ USD, tương đương 12%.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Võ Đặng Thành Trung, Đại diện Công ty nước mắm Phan Thiết Mũi Né chia sẻ: “Hiện tại thị phần xuất khẩu sang Hàn Quốc của doanh nghiệp chiếm 50% tổng lượng sản phẩm tại nhà máy. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó về việc kết nối

trực tiếp với một số kênh chính thống để hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc được lâu dài và bền vững hơn”.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ vẫn đang gặp khó khăn trong các vấn đề về thủ tục pháp lý, tiếp cận thị trường cũng như tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng tại 2 thị trường tiềm năng này.

doanh nghiệp Việt cần nâng cao kỹ năng làm việc và chất lượng sản phẩm để khai thác hết tiềm năng từ 2 thị trường lớn này.
Doanh nghiệp Việt cần nâng cao kỹ năng làm việc và chất lượng sản phẩm để khai thác hết tiềm năng từ 2 thị trường lớn này.

Giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) cho biết, hiện Nhật Bản vẫn có nhu cầu về các sản phẩm trái cây tươi tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có trái xoài là có thể xuất sang Nhật Bản. Do vậy, JCCH cũng rất mong muốn giữa 2 Chính phủ có thêm ký kết hoặc Hiệp định mới để thúc đẩy xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây tươi hơn nữa.

“Ngoài ra, người dân Nhật Bản vẫn sử dụng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nhưng không thể sử dụng hàng ngày như một loại sản phẩm thiết yếu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt nên đi theo hướng nông sản đã qua chế biến, sấy khô… thì thị phần sẽ cao hơn”, ông Yoshida chia sẻ thêm.

Về phía thị trường Hàn Quốc, ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM (KOCHAM) cho biết, ngoài những nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm vốn có, nếu cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Hàn Quốc biết rõ về chất liệu đóng gói, thiết kế, in ấn thì doanh nghiệp Việt sẽ có ích cho hoạt động thương mại hơn.

Ngoài ra, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần xây dựng cho mình được nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện… Đặc biệt là hỗ trợ phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Nhật Bản đón gần 18.000 lao động Việt Nam tới làm việc
Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động, gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư