Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp nhựa gia dụng tìm cách giữ vị thế
Anh Hoa - 09/07/2016 08:18
 
Trước sức ép nhiều thương hiệu cao cấp nước ngoài nhảy vào khai thác thị trường hàng gia dụng Việt Nam, doanh nghiệp Việt bộc lộ nhiều điểm yếu buộc phải thay đổi.

Với ưu điểm bền, đẹp, mẫu mã đa dạng, các sản phẩm nhựa gia dụng ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn. Hiện nay, các sản phẩm nhựa gia dụng tràn ngập thị trường, từ các siêu thị lớn nhỏ đến các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hóa…, song dường như người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng hơn khi lựa chọn sản phẩm này. 

Trước đây, các mặt hàng nhựa xuất xứ từ Trung Quốc gần như chiếm lĩnh thị trường nhựa gia dụng tại Việt Nam. Nhưng sau những thông tin chất lượng không an toàn cho người sử dụng, người tiêu dùng đã quay lưng với dòng sản phẩm này. Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, ngành nhựa Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng tin chọn. Tính tiện lợi, giá cả cạnh tranh, mẫu mã phong phú, sản phẩm nhựa sản xuất trong nước đang dần thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất không ngừng cải thiện về kiểu dáng, chủng loại, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Đã có các thương hiệu nhựa lớn nội địa như: Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Long Thành, Song Long, Vĩ Hưng, Tân Lập Thành…

Bà Bùi Thu Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tài Năng Việt (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này
Bà Bùi Thu Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tài Năng Việt (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này

Tại các siêu thị, mặc dù hàng nhựa gia dụng Việt Nam đang chiếm thị phần lớn, khoảng 70-80% trên các kệ hàng, nhưng ở dòng cao cấp vẫn là sân chơi của các sản phẩm nhập ngoại. Các thương hiệu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu như Lock & Lock, Super Lock, Iwasaki, Komax… đang chiếm lĩnh và được người tiêu dùng chọn lựa. Chưa kể đến, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm nhựa gia dụng của Thái Lan với ưu thế về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng và giá cả cạnh tranh tại hầu hết các kênh phân phối trên thị trường.

Như vậy, ngoài những doanh nghiệp nhựa gia dụng Việt Nam đã có thương hiệu và chiến lược bài bản, có khả năng giữ vị thế, còn lại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đều đang ở thế thất thủ và loay hoay tìm chiến lược cạnh tranh. Lý do bởi trước đây, các doanh nghiệp này đều kiên trì theo đuổi chiến lược cạnh tranh dựa trên các tiêu chí: sản phẩm đơn giản, giá thành rẻ, thị trường xác định ở vùng nông thôn. Nhưng hiện nay, khi hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã và đang được ký kết, tiếp đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thiết lập, kéo theo sức cạnh tranh đến từ nước ngoài, với các sản phẩm mới hơn, cao cấp hơn và an toàn hơn.

Hiện nhiều CEO tại các doanh nghiệp nhựa gia dụng SME đang muốn thay đổi chiến lược cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị hiếu của khách hàng thông qua đầu tư nâng cấp công nghệ, để có thể cho ra đời những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, các cổ đông không đồng ý vì phương án đó chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào. Thay vào đó, doanh nghiệp nên mở rộng thị trường, mở rộng khách hàng, kiên định giá thành phù hợp với đa số người tiêu dùng (đặc biệt là vùng nông thôn) làm chiến lược cạnh tranh chính của mình. 

Thực tế, thị trường Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ, số lượng hộ gia đình mới sẽ không ngừng tăng lên dẫn tới nhu cầu các mặt hàng gia dụng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thị trường hàng gia dụng khu vực nông thôn (chiếm 70 -80% tổng dân số) vẫn thiếu rất nhiều những mặt hàng phù hợp với thị hiếu. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc khai thác thị trường không đơn thuần chỉ nhìn vào thu nhập, vấn đề là có đưa ra được những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu hay không.

Như vậy, song song với việc đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm hạ giá thành…, để khai thác phân khúc thị trường cao cấp, việc chú trọng vào phân khúc thị trường bình dân, khu vực nông thôn với doanh nghiệp đồ gia dụng là những hướng đi khả quan.

Vậy CEO và các cổ đông tại SME cần định vị được thị trường mục tiêu phù hợp với “sức khỏe”, trong từng giai đoạn như thế nào vẫn là một ẩn số khi chưa tìm được tiếng nói chung. 

Hai chuyên gia của chương trình  CEO – Chìa khóa Thành công là Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam sẽ tư vấn giúp CEO trong tình huống này.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Ra mắt Group Quản trị và Khởi nghiệp với nhiều CEO tầm cỡ
Ngày 7/5, Group Quản trị và Khởi nghiệp chính thức có buổi ra mắt lần đầu tiên với các thành viên tại Khách sạn Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Group Quản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư