Thứ Hai, Ngày 12 tháng 05 năm 2025,
Doanh nghiệp niêm yết nào hưởng lợi trong "cuộc đua" ITS trên cao tốc Bắc Nam?
Kỳ Thành - 12/05/2025 14:49
 
Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là thị trường ngách tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư công, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ, trong đó có cả các doanh nghiệp niêm yết.

ITS - thị trường ngách tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư công

Bộ Xây dựng mới đây có văn bản yêu cầu các ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hệ thống giám sát điều hành giao thông thông minh trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thu phí từ ngày 1/1/2026.

Theo kế hoạch, toàn bộ hệ thống thiết bị, phần mềm giám sát, điều hành giao thông, trạm thu phí và kiểm soát tải trọng xe phải được hoàn thành trước ngày 31/10/2025. Việc tích hợp hệ thống và vận hành thử nghiệm sẽ diễn ra từ 1/11 đến 31/12/2025.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị phải đẩy nhanh thủ tục, triển khai thi công đúng tiến độ để đảm bảo mục tiêu thu phí toàn tuyến từ năm 2026 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Việc Chính phủ coi phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn, phấn đấu tới năm 2030, cả nước có 5.000 km cao tốc đưa vào khai thác, đã tạo ra khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS).

Vì vậy, lĩnh vực ITS có thể xem là thị trường ngách nhưng đầy tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư công.

Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS) là việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông để quản lý và điều hành hệ thống giao thông vận tải.

ITS liên kết con người, hệ thống đường bộ và phương tiện giao thông thành một mạng lưới thông tin, giúp quá trình lưu thông trên đường cao tốc và nội đô trở nên thuận tiện, nhanh chóng.

Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh ITS với những bước đi khoa học, bài bản sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân, ITS còn giúp cấp quản lý dễ dàng hơn trong giám sát và bảo trì thành phố thông minh.

ITS liên kết con người, hệ thống đường bộ và phương tiện giao thông thành một mạng lưới thông tin, giúp quá trình lưu thông trên đường cao tốc và nội đô trở nên thuận tiện, nhanh chóng.

Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường hệ thống giao thông thông minh được định giá 22,88 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến ​​sẽ đạt giá trị 30,65 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ CAGR là 5,11% trong giai đoạn dự báo (2021 - 2026).

Tại Việt Nam, gần đây nhất, tháng 3/2025, 2 gói thầu có giá trị trên dưới 200 tỷ đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị hệ thống giám sát điều hành giao thông thuộc 2 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được mở thầu đã thu hút hàng chục doanh nghiệp quan tâm tham gia.

Theo tính toán, với 17 gói thầu ITS dành cho cao tốc Bắc - Nam trong năm 2025, bao gồm 5 gói thầu sắp công bố kết quả và 12 gói thầu cũng phải hoàn thành trong năm nay nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thu phí từ ngày 1/1/2026, tổng quy mô các gói thầu tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp thường tham gia đấu thầu theo hình thức liên danh, trong đó có nhiều “ông lớn” công nghệ tại Việt Nam như Viettel, VNPT… Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp khác như NEWTATCO, TFS, HITACO, Tập đoàn Trí Nam, CyRadar…

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng tham gia lĩnh vực này, tiêu biểu là CTCP Công nghệ Tiên Phong (mã ITD - HoSE), CTCP Công nghệ - Viễn thông ELCOM (mã ELC - HoSE), CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu (mã SBD - UpCOM).

Tiên Phong: ITS đóng góp 14% doanh thu năm 2024

CTCP Công nghệ Tiên Phong được thành lập năm 1999, hiện có 9 công ty con và 1 công ty liên kết. Tiên Phong được biết đến là đơn vị cung cấp hệ thống giao thông thông minh cho tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ngoài ra, Công ty cũng là đơn vị triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tiên Phong cho thấy, trong niên độ tài chính 1/4/2024 – 31/3/2025, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 752 tỷ đồng, lãi sau thuế 74,8 tỷ đồng. Kết quả này rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, khi Công ty ghi nhận lỗ 40 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của Tiên Phong, lĩnh vực giao thông thông minh đóng góp 108 tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu cả năm. Trừ đi giá vốn 71 tỷ đồng, lãi gộp từ mảng kinh doanh này của Tiên Phong là 36,9 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Công ty đạt trên 681 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm 1/4/2024.

Bên kia bảng cân đối, Tiên Phong ghi nhận vốn góp của chủ sở hữu đạt trên 245 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm. Trong khi đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Công ty tăng mạnh 144% lên 144 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/5, cổ phiếu ITD tăng 1,85% lên 13.800 đồng/cổ phiếu.

Sao Bắc Đẩu: Mối liên quan với “ông lớn” giao thông Đèo Cả

CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu thành lập tháng 2/2004, doanh nghiệp có vốn điều lệ là 139 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông. Trên website Công ty, Sao Bắc Đẩu cho biết một trong các sản phẩm – giải pháp của mình cũng bao gồm hệ thống giao thông thông minh.

Sao Bắc Đẩu không giới thiệu cụ thể về các dự án giao thông thông minh mà Công ty tham gia, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 cho thấy, Sao Bắc Đẩu có một số khoản phải thu đối với CTCP Đầu tư Đèo Cả, CTCP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa - các doanh nghiệp nằm trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Đèo Cả, một “ông lớn” trong lĩnh vực giao thông tại Việt Nam. Điều này cũng phần nào cho thấy mối liên hệ giữa Sao Bắc Đẩu đối với lĩnh vực giao thông thông minh.

Về hoạt động kinh doanh, trong niên độ tài chính 1/4/2024 – 31/3/2025, Sao Bắc Đẩu ghi nhận doanh thu thuần 694 tỷ đồng, lãi sau thuế 7,3 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Công ty đạt 553,6 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm.

Trong năm qua, nợ phải trả của Công ty cũng giảm mạnh hơn 100 tỷ đồng, do nợ phải trả người bán ngắn hạn giảm mạnh. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Công ty cũng giảm gần 34 tỷ đồng (tương đương 12%) còn 248,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng gần 30 tỷ đồng, lên 44,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu SBD đang có xu hướng tăng trong các phiên giao dịch gần đây. Trong phiên giao dịch 9/5, cổ phiếu này chỉ có 1 giao dịch duy nhất 100 cổ phiếu với giá 7.500 đồng/cổ phiếu.

ELCOM: Dồn lực phát triển công nghệ lõi và lĩnh vực ITS

Cũng được thành lập trong giai đoạn sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 được ban hành tương tự Tiên Phong hay Sao Bắc Đẩu, nhưng ELCOM kể từ khi thành lập năm 2003 đến nay đã có quy mô vốn điều lệ lên tới 874,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu ELC của doanh nghiệp này cũng có thị giá cao hơn ITD hay SBD, với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/5 là 22.700 đồng/cổ phiếu.

Trong lĩnh vực giao thông thông minh ELCOM là doanh nghiệp sở hữu hệ thống phần mềm giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ iTMON, đáp ứng tiêu chuẩn TCCS-AN 69:2020 ban hành tháng 7/2020 của Bộ Công An và được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký quyền tác giả số 6681/2018/QTC.

ELCOM cũng đã trúng thầu và triển khai hệ thống ITS tại tuyến cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, cung cấp giải pháp thu phí tự động ETC tại các tuyến quốc lộ quan trọng trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Phước, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Đặc biệt, ngày 22/4 vừa qua, liên danh 5 nhà thầu bao gồm ELCOM đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố kết quả trúng Gói thầu số 5.11 – Thi công, lắp đặt và cung cấp thiết bị hệ thống quản lý sân bay, thuộc Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu) của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với giá trúng thầu là 1.938,9 tỷ đồng.

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 hồi tháng 4 vừa qua, ông Phạm Minh Thắng, Tổng giám đốc ELCOM cho biết, thị phần lĩnh vực ITS và cân tải trọng của Công ty hiện chiếm 50 - 65% tại Việt Nam.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2024 của ELCOM cho thấy, doanh thu thuần của Công ty đạt 800 tỷ đồng, lãi sau thuế xấp xỉ 100 tỷ đồng. Song, Công ty không nêu rõ chi tiết phần đóng góp từ mảng ITS.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của ELCOM, doanh thu thuần của Công ty đạt 61,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 3,3 tỷ đồng, trong đó lãi sau thuế của công ty mẹ là 4,8 tỷ đồng. Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ELCOM đạt trên 2.011 tỷ đồng. Công ty tiếp tục duy trì lượng tiền mặt lớn, gồm 147 tỷ đồng tiền mặt và 124 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn.

Trong văn bản giải trình, Công ty cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý I/2025 của Công ty giảm so với cùng kỳ năm trước là do trong kỳ, có một số dự án lớn bị đẩy lùi tiến độ triển khai, dẫn tới việc chưa kịp nghiệm thu bàn giao theo kế hoạch.

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ông Phan Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT ELCOM cho biết, trong năm nay (tính đến hết tháng 4/2025), Công ty đã ký được các hợp đồng với tổng giá trị 800 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phan Chiến Thắng, ngày 15/5 dự kiến công kết quả 5 gói thầu ITS cao tốc Bắc - Nam và mục tiêu của ELCOM chiếm thị phần khoảng 50%. Ngoài ra, dự kiến trong tháng 6/2025 sẽ tiếp tục đấu thầu 12 gói thầu ITS cao tốc Bắc - Nam và ELCOM đặt mục tiêu sẽ được tham gia vào các gói thầu này.

Bên cạnh hệ thống ITS, theo ông Thắng, ELCOM đã nghiên cứu và phát triển thành công hệ thống kiểm soát tải trọng eWIM đáp ứng quy chuẩn. Đây sẽ là lợi thế của ELCOM khi sắp tới, các tuyến cao tốc đang đồng loạt chuyển đổi công nghệ kiểm soát tài trọng xe tự động mới.

Với mỗi gói thầu hệ thống ITS có giá trị khoảng 250 - 300 tỷ đồng, hệ thống cân eWIM giá trị khoảng 25 - 35 tỷ đồng/hợp đồng, Ban lãnh đạo ELCOM tự tin sẽ hoàn thành và phấn đấu vượt kế hoạch doanh thu 1.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 126 tỷ đồng trong năm 2025.

Theo ông Phan Chiến Thắng, việc liên danh ELCOM trúng thầu Gói thầu số 5.11 thuộc dự án Sân bay Long Thành nói trên và việc ELCOM đã ký hợp đồng xuất khẩu phần mềm sang Đức trị giá 3,9 triệu USD cho thấy định hướng phát triển công nghệ lõi của ELCOM là hoàn toàn phù hợp. Đây cũng là hướng đi mà Công ty sẽ tiếp tục tập trung phát triển trong tương lai.

Khai trương thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (TOC)
Ngày 4/7, tại Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Thành phố Hà Nội , Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức Lễ Khai trương thí điểm Trung tâm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư