Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp nỗ lực mở rộng hoạt động, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi
Hà Nguyễn - 29/07/2022 11:46
 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng qua đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,6% của cùng kỳ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động đang nổi lên.

Các số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2022 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, sản xuất công nghiệp đang tiếp tục phục hồi.

Cụ thể, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế

Với con số này, tính chung 7 tháng năm 2022, IIP toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,6% của năm ngoái và 2,6% của năm 2020, hai năm Covid-19.

Tuy nhiên, nếu so với mức tăng IIP của 7 tháng các năm chưa Covid-19, thì có thể thấy, sản xuất công nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, IIP 7 tháng năm 2018 tăng tới 10,7% so với cùng kỳ năm trước, còn IIP 7 tháng năm 2019 tăng 9,4%.

Quay trở lại với tình hình sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê cho biết, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%), đóng góp 7,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,4%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 3,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Như vậy, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực cho toàn ngành, cũng như cho toàn nền kinh tế.

Chỉ số IIP tăng mạnh trở lại càng khẳng định xu hướng phục hồi ngày trở nên rõ nét hơn của nền kinh tế. Đặc biệt, IIP 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở 61 địa phương và chỉ giảm ở 02 địa phương trên cả nước.

Thậm chí, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Chẳng hạn, Bắc Giang tăng 53,4%; Hà Giang tăng 27,7%; Bình Phước tăng 25%; Khánh Hòa tăng 23,2%; Quảng Nam tăng 21,7%; Sơn La tăng 15,7%; Đắk Lắk tăng 14,5%.

Tất nhiên, ngược lại, một số địa phương vẫn có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Ví như, Bình Định chỉ tăng 6,5%; Bắc Kạn tăng 4,5%; Quảng Ngãi tăng 4,9%; Đà Nẵng tăng 4,1%; Ninh Bình tăng 2,6%.

Tuy nhiên, có thể thấy, một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn vẫn đang duy trì tốc độ tăng IIP khá tích cực. Chẳng hạn, Thái Nguyên tăng 9,6%; Quảng Ninh và Hải Phòng cùng tăng 7,8%; Bắc Ninh tăng 6,7%; Bình Dương tăng 4,7%; Long An tăng 3,6%; Hải Dương tăng 2,7%.

Mặc dù vậy, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - TP.HCM chỉ tăng 0,9%, còn Vĩnh Long giảm 2,5%; Vĩnh Phúc giảm 5,1%.

Đây cũng là những thông tin đáng chú ý. Một khi các trung tâm công nghiệp lớn phục hồi được tốc độ sản xuất công nghiệp, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn.

Từ góc độ khác, đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước không đổi và giảm 5,1%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,7% và tăng 6,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 14,1%.

Nghĩa là, số lượng doanh nghiệp làm trong khu vực công nghiệp đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp hiện nay đó là tình trạng thiếu lao động. Đây cũng là điều đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã một lần nữa nhấn mạnh điều này.

Theo Bộ trưởng, hiện kinh tế Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, mà một trong số đó là tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt các ngành có xu hướng phục hồi nhanh như du lịch và ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư