Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp ôtô mất ăn mất ngủ vì kiểm định chuyên ngành
Thanh Hương - 17/11/2013 09:58
 
Doanh nghiệp ô tô đang mất ăn, mất ngủ với yêu cầu kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 27, Thông tư 128/2013/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/11/2013, bởi e ngại, sẽ thêm tầng nấc chi phí.  

Theo quy định tại điểm b.1.3 khoản 2 của Điều 27 của Thông tư 128/2013/TT-BTC (Thông tư 128), trong trường hợp việc kiểm tra chuyên ngành không thể thực hiện tại cửa khẩu, thì phải đưa về các cơ sở kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Ô tô là mặt hàng bắt buộc phải kiểm định chất lượng xe khi nhập khẩu.
Ô tô là mặt hàng bắt buộc phải kiểm định chất lượng xe khi nhập khẩu

Ông Trần Vĩnh Hà, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Hoàng Gia cho hay, ô tô là mặt hàng bắt buộc phải kiểm định chất lượng xe khi nhập khẩu. Cơ quan kiểm tra chuyên ngành đối với ô tô hiện là Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Tuy nhiên, kho bãi của bất cứ cơ quan hải quan cửa khẩu nào hiện nay cũng chưa được thiết kế phục vụ cho lưu hàng với ô tô, đặc biệt là xe tải.

Đó là chưa kể, diện tích nơi lưu kho cũng khó đủ chỗ cho số lượng lớn ô tô của các doanh nghiệp nhập khẩu chờ đăng kiểm theo quy định, vì vậy, chi phí bị đội lên sẽ rất lớn do chờ đợi để được đăng kiểm.

“Chưa kể Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng chưa nhận được thông báo gì về chuyện kiểm tra chuyên ngành theo Thông tư 128, hay phải xác nhận bằng văn bản ra sao thì hải quan mới cho phép chuyển lô xe ô tô nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để chờ đăng kiểm”, Tổng giám đốc Hà nhận xét.

Chia sẻ quan ngại này, ông Jesus Metelo Arias, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, các địa điểm kiểm tra tại Cái Lân và Hiệp Phước của hải quan sẽ quá tải do hàng tồn đọng lớn bởi quy định trên. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải trả thêm chi phí không đáng có, trong khi kho của doanh nghiệp xây dựng, hoặc thuê bấy lâu lại bỏ không, lãng phí.

“Chúng tôi đề nghị trong quá trình thực hiện Thông tư 128, cơ quan quản lý cho doanh nghiệp đưa ô tô về bảo quản ở kho bãi mà doanh nghiệp lựa chọn, đồng thời bỏ ô tô khỏi Danh mục Hàng phải bảo quản tại địa điểm tập trung, bởi mặt hàng này có giá trị cao, có quản lý chất lượng do cơ quan đăng kiểm thực hiện và đã được trả thuế và các khoản bảo đảm (nếu có) khi đưa hàng về bảo quản tại kho của doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp cần khoảng 20 ngày để hoàn thành các thủ tục liên quan gồm đăng kiểm, thông quan, tờ khai hải quan cho mỗi lô ô tô nhập khẩu. Nếu là chủng loại xe mới vào Việt Nam lần đầu, thì thời gian cần sẽ lên tới 40 - 60 ngày để tiến hành các thử nghiệm cần thiết”, ông Jesus Metelo Arias nói.

VAMA với các thành viên đến từ các thương hiệu lớn quốc tế cũng cho hay, việc mời nhân viên cơ quan đăng kiểm từ Hà Nội đến Cảng Cái Lân hay Cảng Hải Phòng để thực hiện kiểm tra chuyên ngành sẽ không do doanh nghiệp chủ động, mà “phụ thuộc vào lịch làm việc của các nhân viên này”. Vì vậy, việc hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành không đúng với quy định thời gian được cơ quan hải quan đưa ra, bởi lịch của cán bộ đăng kiểm có thể khiến doanh nghiệp phải chịu phạt với cơ quan hải quan là điều không công bằng.

Cũng trong tâm trạng bức xúc, Công ty Ô tô Hoàng Gia cho hay, cách làm đang được áp dụng hiện nay là “rất ổn”, bởi doanh nghiệp chỉ được nhận xe về kho của mình sau khi làm thủ tục nhập khẩu và đóng thuế.

Sau khi có chứng nhận về chất lượng, doanh nghiệp làm thủ tục thông quan và khi đó mới có nốt tờ khai nguồn gốc với hải quan. Nghĩa là không dễ trốn tránh được nghĩa vụ thuế với cơ quan hải quan, bởi muốn bán được xe phải có tờ khai nguồn gốc cho người mua đăng ký lưu hành sau đó, khác hẳn những hàng hoá khác. Do vậy, không cần thiết có thêm quy định mới với ô tô để làm khó doanh nghiệp, khiến chi phí bị đội lên nhiều mà không cần thiết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư