Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp sẵn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết
Thế Hoàng - 13/01/2021 06:39
 
Dù khá thận trọng trong dự báo sức cầu dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp cung ứng hàng Tết vẫn chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 5 - 15% so với năm 2020.

Hàng Tết chuẩn bị lên kệ

Đến thời điểm này, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân sửu 2021 hiện đã được nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM cùng các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ chuẩn bị cơ bản.

Sở Công thương Hà Nội cho biết, Thành phố đã chuẩn bị hơn 290.000 tấn gạo cho 3 tháng cuối năm và dịp Tết, trong đó, tỷ lệ đáp ứng của địa phương khoảng 58%, lượng thiếu hụt được bù đắp qua kênh liên kết với các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội cho biết, tổng lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán của toàn Thành phố tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết từ 7 đến 22% so với năm 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Uớc tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt 39.400 tỷ đồng. Cùng với đó, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia Chương trình Hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán (gồm 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi; 7.680 cửa hàng tạp phẩm; 1.438 điểm bán tại các chợ; 495 bếp ăn tập thể; 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội).

Tại “đầu tàu” kinh tế TP.HCM, lượng hàng Tết được dự trù cũng tăng 15%, trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng.

Hàng hóa cho thời điểm kinh doanh “vàng” trong năm được các doanh nghiệp chuẩn bị từ sớm, được kỳ vọng sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết của người dân, tránh tình trạng tăng giá bán do thiếu hụt nguồn cung.

Dự trù sức mua

Trên thực tế, do lo ngại sức mua yếu, do người tiêu dùng vừa trải qua 1 năm khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, nên các doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sản xuất và phân bổ hàng Tết khá thận trọng, phù hợp xu hướng mua sắm của người dân.

Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị gần 500 tấn thực phẩm chế biến và gần 2.300 tấn thực phẩm tươi sống để tung ra thị trường. Gần Tết, giá thịt lợn có xu hướng tăng, nên doanh nghiệp phải hợp tác với các trang trại để tăng sản lượng, nhằm chủ động về nguồn cung và giá bán

Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, Vissan cam kết không tăng giá thực phẩm chế biến, nhưng với mặt hàng thịt tươi sống, tùy theo tình hình thị trường từng thời điểm, Công ty sẽ có chính sách giá khác nhau, trên tinh thần bình ổn. Ngoài ra, những ngày cận Tết, Công ty sẽ có chương trình khuyến mãi cho từng nhóm mặt hàng cụ thể.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ, sở hữu nhiều nhãn hàng riêng như Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị xong kế hoạch kinh doanh mùa Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng chuẩn bị cho mùa Tết tại Saigon Co.op đạt gần 4.922 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Saigon Co.op sẽ tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động tại TP.HCM và một số địa phương, nhiều mặt hàng liên tục được giảm giá để tăng lượng hàng hóa bán ra và phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Saigon Co.op cũng đẩy mạnh bán hàng online, khuyến mãi Tết sớm và kéo dài để đáp ứng nhu cầu sắm Tết tiết kiệm của khách hàng, đồng thời hạn chế tập trung đông người tại một thời điểm trong một siêu thị/cửa hàng.

Một số doanh nghiệp bán lẻ lớn như Central Retail cũng có chương trình bình ổn giá. Cụ thể, từ đầu tháng 1/2020, tại hệ thống đại siêu thị GO!/Big C - thành viên của Central Retail, sẽ lần đầu tiên áp dụng Chương trình “Bán thịt lợn tươi không lợi nhuận” (không bao gồm sản phẩm của Meat Deli), nhằm chung tay bình ổn thị trường thịt lợn.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, trước nhu cầu mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán 2021, hệ thống khối đại siêu thị GO!/Big C trên toàn quốc sẽ triển khai Chương trình “Giá luôn luôn thấp”, áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, như: bánh, kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát, đồ trang trí, đồ gia dụng, hàng điện tử, điện máy, quần áo thời trang…n

Kiến nghị Thủ tướng cho thông tuyến tạm thời cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dịp Tết Nguyên đán 2021
Bộ GTVT đánh giá, Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cơ bản đáp ứng yêu cầu thông tuyến tạm trong dịp Tết Nguyên đán 2021 theo chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư