Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp sản xuất cần tối ưu chi phí trong sản xuất và vận hành
Hạc Hiên - 06/09/2023 23:31
 
Đó là bài toán được chia sẻ trong hội thảo “Tối ưu vận hành - Giảm thiểu chi phí - Ứng dụng giải pháp quản trị doanh nghiệp sản xuất” để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngày 6/9/2023, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Thành Phố Hà Nội (SCE) - Trực thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp cùng công ty TNHH 1C Việt Nam và Hiệp Hội Công Nghiệp Hỗ Trợ Việt Nam (VASI) đã tổ chức hội thảo “Tối ưu vận hành - Giảm thiểu chi phí - Ứng dụng giải pháp quản trị doanh nghiệp sản xuất”.

Hội thảo nhằm định hướng và gợi ý những chiến lược, hướng đi tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc ngành sản xuất, đồng thời đưa ra những giải pháp công nghệ giúp giải bài toán cho doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế vĩ mô nhiều thách thức, hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi và tạo nền móng vững chắc hướng tới phát triển bền vững.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo GCCI nhận định: Những vướng mắc thường gặp về quản trị tài chính của doanh nghiệp sản xuất bao gồm chưa xác định được định mức sản xuất (không tính, tính nhưng không đầy đủ, xác định hao hụt…); Chưa có quy trình đầy đủ và bài bản cho các khâu liên quan mật thiết đến quản trị tài chính (ví dự như quy trình kiểm soát kho, quy trình tạm ứng/thanh toán, quy trình thanh toán nhà cung cấp nguyên vật liệu, quy trình thu hồi công nợ…); Quản lý dòng tiền kém gây thiếu hụt nguồn vốn sản xuất; Chưa biết cách lập dự án đầu tư; và cuối cùng chưa quan tâm hoặc coi nhẹ 7 loại lãng phí trong sản xuất, không tập trung cải tiến sản xuất thường xuyên, liên tục".

Hiện nay hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, càng trở nên hạn chế về năng lực vốn và khó về tài sản đảm bảo. Do vậy, ưu tiên hàng đầu của các công ty, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất là việc tối ưu chi phí trong sản xuất và vận hành. Bài toán khó này có thể được giải quyết nếu như doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh sản xuất.

Theo ông Hoàng Văn Ánh – Chuyên gia cấp cao tư vấn triển khai giải pháp chuyển đổi số của 1C Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất có những đặc thù riêng và nhu cầu thay đổi sản phẩm theo khách hàng, các lãnh đạo sẽ cần những phần mềm tùy chỉnh linh hoạt để có thể thích nghi với thay đổi.

Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí hơn. Với các nền tảng văn phòng số hiện đại, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tùy biến các tính năng, kể cả những yêu cầu phức tạp. Tất cả thông tin được lưu trữ trên cùng một dữ liệu chỉ cần truy cập phần mềm và doanh nghiệp có thể xem được các thông tin quản lý”, ông Ánh cho biết thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư