Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Lộ diện các giải pháp tiêu biểu thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp
Kỳ Thành - 07/09/2023 14:59
 
Các sản phẩm tham gia Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã nắm bắt được các xu hướng công nghệ mới của thế giới, cho thấy Việt Nam không hề bị lạc hậu về công nghệ so với thế giới.

Ban tổ chức và Hội đồng tuyển chọn Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) vừa cho biết, Chương trình đã xác định được 24 giải pháp tiêu biểu có tên trong vòng cuối cùng, để chọn ra 12 giải pháp tiềm năng nhất sẽ được chọn vinh danh tại Lễ công bố giải pháp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 diễn ra ngày 8/9 sắp tới.

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) hướng tới tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Được phát động từ tháng 10/2022, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức, nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững. 

Các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình theo 3 nhóm đối tượng gồm: Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và các startup, dự án đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực quản trị số, quản trị dữ liệu, kết nối đầu tư, tối ưu quy trình, cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực doanh nghiệp... Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Năm nay, chương trình đã thu hút được 758 đề xuất giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số, trong đó có những giải pháp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lớn và phát triển như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)... Trên hành trình tìm kiếm những giải pháp tiêu biểu giải quyết những thách thức của Việt Nam, Ban tổ chức và hội đồng tuyển chọn đã xác định được 24 giải pháp có tên trong vòng cuối cùng.

Giải pháp oneSME của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được đánh giá cao bởi Hội đồng tuyển chọn.

Tại bảng doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo có tổng cộng 7 giải pháp, bao gồm các doanh nghiệp có các giải pháp tích hợp, đã được thị trường kiểm chứng và phục vụ giải quyết các vấn đề của xã hội ở quy mô lớn. Các sản phẩm hầu hết đều đến từ các công ty công nghệ tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam như FPT, VNPT, MISA, CMC,...

Tiến sĩ Đỗ Bình Minh, Nhà nghiên cứu khoa học cấp cao tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định, việc các giải pháp dù mới được đưa ra thị trường trong thời gian ngắn, nhưng đã đạt được số lượng khách hàng ấn tượng (lên đến hàng ngàn khách hàng) là một tín hiệu đáng mừng, điều này cho thấy nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ và các sản phẩm, giải pháp số trong chương trình đang đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

Một ví dụ điển hình là giải pháp oneSME từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), được đánh giá cao bởi Hội đồng tuyển chọn. Tiến sĩ Đỗ Bình Minh nhận xét: việc tạo ra các "chợ giải pháp số" như oneSME phản ánh xu hướng toàn cầu, vì doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có nhu cầu chuyển đổi số đa dạng và không có một nhà cung cấp nào có thể đáp ứng hết. Việc tích hợp các giải pháp từ nhiều nhà cung cấp vào một sân chơi giúp tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhất để phát triển. 

Tiến sĩ Lê Quốc Anh, Tech Lead - Canal+ Group (Pháp), thành viên Hội đồng tuyển chọn của Chương trình nhận định, các sản phẩm tham gia là đã nắm bắt được các xu hướng công nghệ mới của thế giới, cho thấy Việt Nam không hề bị lạc hậu về công nghệ so với thế giới. “Điển hình là áp dụng trí tuệ nhân tạo, máy học, trợ giúp thông minh, thị giác máy tính trong các sản phẩm ứng dụng.”

Bên cạnh giải pháp của các tập đoàn lớn, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án, start-up dần tham gia sâu chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn, cũng như "hòa mình" vào làn sóng đổi mới sáng tạo. Bảng doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và bảng dự án/ startup có số lượng giải pháp lần lượt là 8 và 9 giải pháp tiềm năng.

 Từ 24 giải pháp tiêu biểu, 12 giải pháp tiềm năng nhất sẽ được chọn vinh danh. Những giải pháp xuất sắc nhất sẽ có cơ hội nhận giải thưởng tổng trị giá lên đến 300.000 USD cùng các gói hỗ trợ toàn diện về nâng cao năng lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, không gian làm việc, quảng bá giải pháp và mở rộng thị trường. Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức chiến thắng sẽ tham gia chuỗi hoạt động giới thiệu và triển khai thí điểm đến các tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam.

Gần 300 doanh nghiệp tham dự Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam
Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE) sẽ kết nối doanh nghiệp, giới thiệu những công nghệ mới, hiện đại nhằm thu hút đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư