Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM hoạt động trở lại
Hồng Phúc - 09/11/2021 20:03
 
Sau hơn một tháng “bình thường mới”, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1.300/1.400 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã dần phục hồi sản xuất với hơn 200.000 lao động.

Khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 hồi đầu tháng 7/2021, hơn 20.000 công nhân của Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam tại Khu chế xuất Linh Trung I đã phải nghỉ việc, nhà máy đóng cửa.

Nhưng từ đầu tháng 10, khi TP.HCM nới lỏng các biện pháp giãn cách, cũng như số người lao động được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tăng lên, Ban lãnh đạo Freetrend Industrial Việt Nam đã  nhanh chóng tổ chức khám sàng lọc đợt đầu cho 4.800 công nhân, phát hiện 20 F0 và đưa đi điều trị, trong khi lượng lao động còn lại vẫn đảm bảo sức khoẻ để làm việc tại nhà máy.

Ông Huỳnh Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HBA) đánh giá, Freetrend Industrial Việt Nam là trường hợp điển hình cho thấy khả năng ứng phó linh hoạt khi nhà máy có F0.

Hầu hết doanh nghiệp hội viên HBA đã quay trở lại hoạt động và tăng tốc sản xuất từ đầu tháng 10. Nhiều doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất tốt bởi lực lượng lao động quay lại làm việc khoảng 70% tổng số lao động trước khi làn sóng dịch lần thứ tư xảy ra. Thậm chí, có doanh nghiệp ghi nhận khoảng 90% lao động trở lại.

Là công ty có lực lượng công nhân đông nhất TP.HCM và cũng là doanh nghiệp FDI lớn nhất ngành da giày Việt Nam, Ban lãnh đạo Pouyuen Việt Nam cho biết, đã có 38.000 công nhân quay trở lại làm việc từ thời điểm Công ty bắt đầu hoạt động lại (ngày 6/10).

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ đồng tình với Hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp của Sở Y tế.

Theo đó, ngoài các quy định như doanh nghiệp phải thành lập Tổ Y tế, không thực hiện xét nghiệm với người lao động đã tiêm đủ liều vắc-xin, thì điểm mới và quan trọng cần nhắc đến là khi có F0 mà 80% người lao động tại doanh nghiệp đã tiêm đủ liều vắc-xin thì F1 vẫn tiếp tục được làm việc. Các F1 được xét nghiệm vào ngày 3, 7 và tiếp tục 7 ngày/lần đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày và xét nghiệm khi có triệu chứng…

Thời điểm TP.HCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thành phố, trong 17 khu chế xuất/khu công nghiệp trên địa bàn, chỉ có 652 doanh nghiệp đủ điều kiện duy trì hoạt động theo phương án vừa cách ly, vừa sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” với 51.522/288.161 người lao động (chiếm tỷ lệ 17,8% tổng số lao động trong điều kiện bình thường).

Đến thời điểm hiện tại, bà Bùi Thị Nữ, đại diện Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đã có 1.355 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 96%). Hầu hết doanh nghiệp đã kết thúc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, mà thay thế bằng phương thức sản xuất an toàn để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Cùng với đó, các doanh nghiệp liên tục bổ sung lao động để đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động với số lượng cán bộ, công nhân làm việc trong các doanh nghiệp là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động như trước khi có làn sóng Covid-19 lần thứ tư.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp sản xuất vi mạch tại Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, tình trạng thiếu lao động, kể cả lao động phổ thông đã diễn ra tại đây từ trước khi làn sóng dịch lần thứ tư xảy ra. Để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển trong trung và dài hạn, doanh nghiệp đã liên tục đăng thông tin tuyển dụng để tìm ứng viên, cũng như bố trí phương tiện đưa đón công nhân đã về quê có thể trở lại làm việc.

Hiện, 98% người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất/khu công nghiệp ở TP.HCM đã tiêm mũi 1 (với hơn 281.310 người) và 94% đã tiêm đủ mũi 2 (hoặc là F0 đã khỏi bệnh). Đây là điều kiện quan trọng nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho việc khôi phục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Bà Bùi Thị Nữ đánh giá, quá trình đầu tư sản xuất bắt đầu khôi phục nhanh, nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác.

Tình hình thu hút đầu tư cũng rất khả quan. Tổng vốn đầu tư, kể cả cấp mới và điều chỉnh vào khu công nghệ cao là 437 triệu USD, đạt 80% so với kế hoạch. Kể từ ngày 1/10/2021, Ban quản lý Hepza ghi nhận nhiều doanh nghiệp thực hiện thủ tục điều chỉnh tăng vốn và liên hệ chủ đầu tư phát triển hạ tầng thuê thêm đất để mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, sau thời gian giãn cách xã hội, một số nhà đầu tư FDI đã làm việc với Ban quản lý để tìm hiểu quy trình đầu tư, đặt vấn đề thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp mới, với quy mô vốn khá lớn, ngành nghề có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Doanh nghiệp TP.HCM đối mặt khó khăn kép: Thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng
Do tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TP.HCM nói riêng đối mặt với tình trạng thiếu vốn, trong khi chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư