Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thêm mô hình “4 xanh” cho doanh nghiệp TP.HCM
Hồng Phúc - 31/08/2021 13:26
 
Doanh nghiệp tại TP.HCM đã có thêm lựa chọn về mô hình tổ chức sản xuất an toàn, nhưng vẫn còn nhiều lấn cấn về các quy định cụ thể với phương án mới.
Người lao động làm việc trong nhà xưởng của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành
HÌnh minh họa

Bốn phương án sản xuất an toàn

Trong cuộc trao đổi với báo chí ngay sau khi trở thành tân Chủ tịch UBND TP.HCM từ ngày 24/8, ông Phan Văn Mãi nói rằng, bên cạnh mục tiêu khống chế dịch bệnh, hạn chế số lượng người tử vong, việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Thành phố là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, điều này cần đi kèm lộ trình cụ thể, bởi còn phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), sau hơn một tháng thực hiện “3 tại chỗ”, công nhân đang có diễn biến tâm lý “không muốn ở mãi trong nhà máy hoặc khách sạn”. Mặt khác, chi phí “3 tại chỗ” quá lớn, doanh nghiệp không thể kéo dài mô hình sản xuất này.

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố, có một nửa số doanh nghiệp/nhà máy (781 nhà máy/1.412 nhà máy) thực hiện “3 tại chỗ” với tổng số lao động khoảng 51.000 công nhân. Khu công nghệ cao có 76 nhà máy/85 nhà máy đang thực hiện “3 tại chỗ” với khoảng 10.000 công nhân, kỹ sư và chuyên gia tham gia.

Trong kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo Nghị quyết số 86/2021/NĐ-CP của Chính phủ do Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM ký ngày 16/8 có nhắc đến mục tiêu không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực, thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy. Đi kèm với đó là kỳ vọng tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức sản xuất trở lại từ 5-10% và đưa ra 4 giải pháp thực hiện.

Trong đó, TP.HCM hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện 1 trong 4 phương án sản xuất. Bên cạnh 2 phương án “3 tại chỗ” (hoặc “3 tại chỗ theo kíp sản xuất”), “1 cung đường 2 điểm đến” (hoặc “1 cung đường 2 điểm đến mở rộng”), doanh nghiệp có thể tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” (“người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh” và  “nơi ở xanh” theo “một cung đường xanh” trong các khung giờ phù hợp, nghĩa là không dừng, đỗ dọc đường và đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc rất cao). Phương án thứ tư là kết hợp các phương thức trên. 

Ngay sau khi 4 phương án tổ chức sản xuất an toàn được đưa ra, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng đã có một số cuộc thảo luận để dự liệu phương thức phù hợp nhất với doanh nghiệp xét cả về đặc tính ngành hàng cũng như số lượng lao động. Theo đó, “4 xanh” hoặc kết hợp 4 phương thức là mô hình được quan tâm nhất, nhưng doanh nghiệp vẫn còn nhiều lấn cấn liên quan đến các quy định cụ thể và vấn đề pháp lý.

Cần khung pháp lý rõ ràng cho 3 bên

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, HAWA là đơn vị đề xuất mô hình sản xuất - kinh doanh “4 xanh” với chính quyền Thành phố. Dựa trên tiêu chuẩn ISO/PAS 45005:2020 của Tổ chức quốc tế ISO, HAWA đưa ra các tiêu chí cho “nơi làm việc xanh” gồm vùng sản xuất biệt lập, người lao động đã được sàng lọc/tiêm vắc-xin, tuân thủ quy định y tế/5K và có nguồn lực/vật lực cho y tế tại chỗ.

“Tuy nhiên, những phần còn lại (“lao động xanh”, “cung đường xanh” và “nơi ở xanh” - PV) nằm ngoài phạm vi, khuôn viên doanh nghiệp thì cần được cơ quan chức năng quy định rõ”, ông Phương nói và cho rằng, cần có tiêu chí về “nơi ở xanh” cũng như việc công nhận tính pháp lý hay đánh dấu/nhận dạng trên bản đồ dữ liệu của “nơi ở xanh”, còn việc nhận dạng “người lao động xanh” có thể dựa vào kết quả xét nghiệm Covid-19, việc tiêm vắc-xin (có thể 1 mũi) và sống trong vùng xanh của người lao động.

Việc quản lý các tiêu chí cho mô hình “4 xanh” cũng cần đáp ứng tiêu chí “thân thiện”. Nghĩa là, thay vì đặt ra các quy định mang tính thủ công như yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ, chứng từ, rồi cấp các loại chứng nhận bằng giấy, thì nên sử dụng công nghệ bằng cách lập hệ thống cơ sở dữ liệu số. Doanh nghiệp cũng cần lập một hệ thống dữ liệu riêng, trong đó có đầy đủ thông tin của người lao động để có thể bố trí khu vực làm việc cho phù hợp.

“Người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, ở trong vùng xanh vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh thì doanh nghiệp có thể bố trí để họ cùng làm tại một khu vực. Với những người lao động ở các vùng đỏ, vùng vàng (vùng nguy cơ cao), có thể bố trí cho họ làm việc theo mô hình ‘3 tại chỗ’”, ông Phương chia sẻ thêm về lựa chọn tích hợp các mô hình sản xuất.

Còn theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Intel Products Việt Nam, cơ quan chức năng cần quy định rõ “nơi ở xanh” là nhà riêng, căn hộ hay cả một khu phố. Nếu là khu phố thì đầu mối nào để liên lạc giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp khi có biến động về dịch tễ.

Đối với “cung đường xanh”, vị này cho rằng, trong giai đoạn đầu của phương án “4 xanh”, người lao động chỉ nên đi làm bằng xe đưa đón của doanh nghiệp, thay vì phương tiện cá nhân để tránh việc phải dừng xe kiểm tra dọc đường, gây ùn tắc giao thông và nguy cơ lây nhiễm tại các chốt.

Tùy mô hình kinh doanh, doanh nghiệp có thể triển khai mô hình “4 xanh” hoặc tích hợp các mô hình theo cách khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả của các mô hình, vẫn cần quy định khung pháp lý rõ ràng. Đây là cách thể hiện vai trò và phạm vi trách nhiệm của 3 bên liên quan là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Doanh nghiệp trông chờ Nhà nước ban hành khung pháp lý và công nhận các mô hình vận hành an toàn, xử lý tách F0 khỏi doanh nghiệp, điều trị và cấp phép hoạt động trở lại cho doanh nghiệp đủ điều kiện ngay khi tách F0. Bản thân doanh nghiệp phải tổ chức cơ sở dữ liệu người lao động, đăng ký /tuân thủ các mô hình hoạt động an toàn, xét nghiệm định kỳ/ khai báo kịp thời và tổ chức mô hình y tế tại chỗ.

Và cuối cùng là người lao động, ngoài việc tuân thủ 5K và quy định của mô hình hoạt động, còn phải hợp tác xét nghiệm định kỳ, cách ly y tế, khai báo những thay đổi bất thường về sức khỏe và đặc biệt là tuân thủ cung đường di chuyển theo quy định.

EVNNPC vượt khó với 3 tại chỗ và số hoá
Nhiều công trình đầu tư xây dựng của EVNNPC được triển khai trong mùa dịch và đã hoàn thành nhờ áp dụng công nghệ thông tin và 3 tại chỗ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư