Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp tại TP.HCM muốn được tăng giờ làm thêm
Việt Dũng - 19/05/2022 10:06
 
Doanh nghiệp tại TP.HCM mong muốn được tăng giờ làm thêm của người lao động nhằm đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và đáp ứng đơn hàng đang tăng nhanh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đơn đặt hàng tăng mạnh

Mở cửa trở lại sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và nhận được nhiều đơn hàng hơn trước. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Phúc Sinh đã xuất khẩu được 700 container sản phẩm cà phê, hồ tiêu sang châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ… Lượng hàng xuất khẩu của Công ty tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM cũng đang tăng tốc sản xuất, vì đơn hàng xuất khẩu đã kín lịch cho tới cuối năm.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP.HCM phục hồi khá nhanh. Dự kiến, giá trị sản xuất năm 2022 của các doanh nghiệp trong Khu tăng khoảng 15% so với năm 2021, tương đương tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình hằng năm của Khu công nghệ cao TP.HCM khi Covid-19 chưa xuất hiện.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao ở TP.HCM vẫn liên tục đăng tuyển dụng lao động. Riêng Khu công nghệ cao TP.HCM có hàng chục doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động chất lượng cao với các vị trí như: quản lý, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), kỹ sư cơ khí, kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực điện tử, tự động hóa, rô-bốt, chuyên gia năng lượng, vật liệu mới, công nghệ nano… Tuy nhiên, việc tuyển dụng các vị trí này không dễ, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong quá trình hoạt động.

Với các doanh nghiệp ngành cơ khí - điện, tình hình hoạt động cũng rất khả quan. Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM cho biết, kết quả khảo sát sơ bộ của Hội cho thấy, đến nay, tất cả doanh nghiệp thành viên của Hội đều đã có đơn hàng.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Đại Việt, ông Ngô Xuân Mạnh chia sẻ, sau khi tái cấu trúc trong thời gian dịch, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2022 - 2026 và đặt mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc phục hồi kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh như trước dịch, mà còn phấn đấu tăng trưởng 30%/năm tại thị trường nội địa và 50 -100% ở mảng xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, Đại Việt đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động về sản xuất.

“Các thị trường trên thế giới đều có xu hướng đa dạng nguồn cung, nên trong năm 2022, các nhà sản xuất Việt Nam, trong đó có Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Đại Việt sẽ có rất nhiều cơ hội đón những khách hàng mới, đơn hàng mới”, ông Mạnh nói.

Doanh nghiệp cần thêm nguồn lực

Đơn hàng tăng mạnh, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa hết lo, vì vẫn còn nhiều gánh nặng. Bên cạnh áp lực về giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng mạnh, doanh nghiệp còn đang đối mặt với thực trạng “khát” nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao.

Trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp - Chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh” được Hội đồng Nhân dân TP.HCM tổ chức mới đây, vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất là đảm bảo nguồn lao động ổn định cho khôi phục sản xuất và đáp ứng các đơn hàng đang gia tăng.

Hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn thực hiện cách ly những người bị nhiễm Covid-19 (F0), nên nhiều thời điểm bị thiếu hụt lao động, phải tăng giờ làm thêm để sản xuất kịp đơn hàng. Doanh nghiệp cũng kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của

Ủy ban thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị TP.HCM tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kết nối nguồn cung lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, có chính sách xây dựng nhà ở, nhà lưu trú, nhà giữ trẻ để công nhân yên tâm làm việc…

“Hai năm qua, Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Sang năm 2022, nhiều thời điểm công ty thiếu nhân lực cục bộ vì nhiều lao động trở thành F0. Hiện tại, doanh nghiệp đang trông đợi vào đề xuất tăng giờ làm thêm để chạy đua cho  kịp những đơn hàng xuất đi châu Âu đã ký kết”, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát tại TP.HCM bày tỏ.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thêm, đặc trưng của gạch ốp lát là sản phẩm nung ở nhiệt độ trên 1.000 độ C, nên doanh nghiệp không thể “nay tắt máy, mai khởi động lại”… Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước điều chỉnh tăng giờ làm thêm theo năm, để có thể linh hoạt, chủ động hơn trong hoạt động sản xuất.

Nới trần giờ làm thêm: “Giằng co” giữa 60 và 72 giờ/tháng
Cơ quan soạn thảo bảo lưu quan điểm nâng trần giờ làm thêm không quá 72 giờ/tháng, còn cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiếp tục cho rằng, chỉ nên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư