Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 03 tháng 02 năm 2025,
Doanh nghiệp Thái Bình ưu tiên công tác chống dịch
Thanh Tuyền - 10/04/2020 09:47
 
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, Phó chủ tịch Tập đoàn Hương Sen cho biết, tất cả doanh nghiệp Thái Bình đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với hàng tồn kho lên đến hàng ngàn tỷ đồng, song ưu tiên chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu.
.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, Phó chủ tịch Tập đoàn Hương Sen.

Là chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động của các hội viên?

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình có trên 7.000 hội viên, thì tất cả đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, hàng hóa tồn kho của nhiều doanh nghiệp lên tới hàng ngàn tỷ đồng, như lĩnh vực sản xuất sứ, gạch men, dệt sợi, may mặc… Trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng rất khó khăn do phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc...

Trước đây, chỉ doanh nghiệp có xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng, thì nay, tất cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều bị ảnh hưởng. Xuất đi không được, nhập về cũng không xong. Hàng tồn kho lớn, nhiều nhà máy dừng sản xuất, công nhân không có việc làm.

Vậy vai trò của Hiệp hội trong lúc này được thể hiện ra sao?

Đầu tiên, các doanh nhân động viên nhau thực hiện thật tốt việc phòng dịch, bình tĩnh để tìm giải pháp vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp chú ý phòng dịch ngay trong doanh nghiệp của mình, như chuẩn bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn...; đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản như nếu có người dương tính với Covid - 19 thì ứng phó thế nào, nếu chẳng may lây lan trên diện rộng thì xử lý ra sao...

Hiệp hội cũng đã có báo cáo gửi chính quyền tỉnh về tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ. Hiệp hội đưa ra các đề xuất như giảm các chi phí, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn, hoãn miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất - kinh doanh; giãn, hoãn và giảm các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

Kiến nghị nữa là cho các doanh nghiệp được chậm nộp tiền điện phục vụ sản xuất - kinh doanh 1 tháng và thực hiện việc thu tiền điện 1 lần/tháng, thay vì 3 lần/tháng như hiện nay...

Những kiến nghị này có được giải quyết kịp thời không, thưa ông?

Những kiến nghị đó đều được tỉnh ghi nhận và những gì giải quyết được ngay thì tỉnh đã làm, như dừng những cuộc thanh tra định kỳ, đôn đốc ngành ngân hàng hạ lãi suất ngân hàng theo chủ trương từ Ngân hàng Nhà nước, quan tâm các chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho người dân và doanh nghiệp để có thể triển khai kịp thời...

Chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng cũng có những chính sách cần quyết định ở cấp cao hơn như Chính phủ, Quốc hội, thì vẫn cần phải chờ đợi.

Từng là đại biểu Quốc hội, theo ông, lúc này, Quốc hội có thể hành động thế nào để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn?

Trong những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến giảm thuế, đến đất đai... thì có những thứ vướng luật mà việc sửa luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trong tình hình cấp bách hiện nay, tôi nghĩ, Quốc hội có thể làm một luật sửa nhiều luật theo quy trình rút gọn trong một kỳ họp. Có khi, một luật chỉ sửa vài điều, nhưng có thể tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp.

Là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nhưng cũng giữ trọng trách tại một doanh nghiệp lớn, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Tạp đoàn Hương Sen có nhiều kinh nghiệm ứng phó từ khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, đến dịch SARS, và bây giờ là dịch Covid-19. Với Hương Sen, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động rất gắn bó, đặc biệt trong lúc khó khăn. Lúc này, điểm mạnh trong văn hóa doanh nghiệp mà chúng tôi xây dựng nhiều năm nay càng được phát huy. Chúng tôi không ngại “móc hầu bao” để chăm lo phòng dịch và ổn định cuộc sống cho người lao động trong lúc khó khăn này.

Đó là nói riêng, còn nói chung trong Hiệp hội, các doanh nghiệp tuy rất khó khăn, song vẫn tích cực cùng cả xã hội chung tay chống dịch bằng các việc làm thiết thực, như ủng hộ tiền và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch.

Tôi cũng muốn chia sẻ với các doanh nhân là lúc này phải hết sức bình tĩnh, kiên trì đồng hành cùng cả nước dập dịch để dịch không bùng phát. Nội bộ doanh nghiệp cần tiết kiệm chi phí, tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực chủ đạo. Chủ doanh nghiệp và người lao động phải đoàn kết, chung tay giữ an toàn cho cả doanh nghiệp và gia đình mỗi người thì mới có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch đi qua.

Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình - Mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp
Tại Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2019), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư