Chủ Nhật, Ngày 18 tháng 05 năm 2025,
Doanh nghiệp tính giải pháp giảm tối đa chi phí đầu vào
Thế Hoàng - 18/05/2025 15:02
 
Giá điện là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ. Khi giá điện tăng sẽ tạo phản ứng dây chuyền, buộc doanh nghiệp sản xuất tính đến phương án điều chỉnh giá, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Giá điện tăng ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, trong đó có xi măng (Ảnh: Đức Thanh)
Giá điện tăng ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, trong đó có xi măng (Ảnh: Đức Thanh)

Điều phối sản xuất để giảm chi phí

Giá bán lẻ điện bình quân đã tăng thêm 4,8% từ ngày 10/5/2025. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân sau điều chỉnh là 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Như vậy, tính từ năm 2023 đến nay, điện đã có 4 lần tăng giá. Cụ thể, năm 2023, giá điện có 2 lần điều chỉnh, lần thứ nhất vào ngày 4/5/2023, với mức tăng 3%; lần thứ 2 vào ngày 9/11/2023, với mức tăng 4,5%. Đến tháng 10/2024, giá điện tăng thêm 4,8% và trong đợt điều chỉnh tháng 5/2025 tăng tiếp 4,8%. Tổng cộng cho các lần điều chỉnh này, giá điện tăng 17,1%.

Giá điện tăng, tác động tới tất cả các ngành sản xuất, chế biến, dịch vụ, đặc biệt là những ngành có mức tiêu thụ điện lớn như thép, xi măng, sản xuất hàng tiêu dùng

Theo ông Lương Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, điện chiếm khoảng 17-20% chi phí sản xuất xi măng. Việc tăng giá điện chắc chắn tác động đến các doanh nghiệp trong ngành, càng khó hơn cho cân đối sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dư cung lớn và cầu tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu đều chưa khởi sắc.

Theo tính toán của ngành xi măng, với đặc thù là hộ tiêu thụ điện lớn, giá điện tăng đang tạo áp lực đến sản xuất, giá bán sản phẩm và hiệu quả kinh doanh. Ngành xi măng tiêu thụ rất khó trong những năm gần đây, năng lực sản xuất lớn, đầu ra lại bị thu hẹp cả ở nội địa lẫn xuất khẩu. Trước tình trạng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như than, xăng dầu, điện, chi phí vận tải… tăng phi mã, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ càng co lại.

Theo ông Hà Quang Hiện, Chánh văn phòng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025, doanh nghiệp đã tính đến việc tăng giá điện và có dự trù cho việc này.

Đối mặt với đầu vào tăng, trong đó có giá điện, các doanh nghiệp tiếp tục điều phối lại sản xuất, tính toán lại từng khâu trong quy trình, đẩy mạnh tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả, tăng sử dụng ánh sáng tự nhiên và lắp đặt năng lượng tái tạo.

Với Tập đoàn Xi măng The Vissai, đến nay toàn bộ hệ thống nhà máy thuộc Tập đoàn đã đầu tư, vận hành hệ thống phát điện, tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Việc đầu tư này giúp các nhà máy tự chủ được khoảng 30% trong tổng nhu cầu tiêu dùng điện.

Cùng với giá điện tăng, doanh nghiệp xi măng còn gặp khó về tiêu thụ sản phẩm, khi giá bán xi măng rời vẫn chịu lỗ, nhưng vẫn phải bán để có dòng tiền, có khấu hao để trang trải các chi phí tài chính. Trong khi đó, xuất khẩu lao dốc suốt mấy năm qua và hiện vẫn chưa khả quan. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay giảm nhẹ gần 1% so với cùng kỳ.

Đại diện một doanh nghiệp xi măng tại Hà Nam cho biết, cạnh tranh tiêu thụ xi măng rất khốc liệt, doanh nghiệp đang phải chấp nhận bán xi măng rời với giá âm từ 10.000 đến 40.000 đồng mỗi tấn. Nhưng dù lỗ vẫn phải bán để có sản lượng, dòng tiền, khấu hao, trang trải các chi phí tài chính.

Với các ngành xuất khẩu vài chục tỷ USD như dệt may, da giày, giá điện tăng thêm 4,8% cũng là thách thức không nhỏ. Các doanh nghiệp phải tiếp tục cơ cấu lại hoạt động sản xuất theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí. Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu có nguy cơ bị cắt giảm do thuế quan, đơn giá cũng khó tăng, người tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn giảm chi tiêu, thì giá điện tăng sẽ trực tiếp đẩy chi phí sản phẩm lên, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cân nhắc, tính toán tăng giá sản phẩm hợp lý

Lý giải việc điều chỉnh tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...

Sản lượng điện tăng thêm của hệ thống phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tỉ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí của khâu phát điện, nơi chiếm tỉ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.

Điện tăng thì giá cả hàng hóa, dịch vụ chắc chắn cũng phải tăng theo. Một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dự báo tăng 5-10%. Các doanh nghiệp sản xuất cho biết, sẽ cân nhắc, tính toán để tăng giá sản phẩm phù hợp.

Trước sức ép của chi phí đầu vào tăng mạnh, từ đầu năm 2025 đến nay, đã có 3 đợt tăng giá trong ngành xi măng, với mức điều chỉnh tăng thêm mỗi lần 50.000 đồng/tấn. Để tăng sức chống chịu, tới đây, khả năng cao là nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán, việc này nhằm bù đắp phần nào chi phí đầu vào.

“Chắc chắn, các đơn vị sản xuất trong hệ thống Vicem sẽ có điều chỉnh, nhưng lúc này chưa thể nói là tăng bao nhiêu, nhưng chúng tôi sẽ tìm một mức hợp lý nhất”, ông Hiện cho hay.

Cần phải nói thêm, ngành xi măng vẫn đang đối mặt với khó khăn kép do dư thừa nguồn cung, trong khi thị trường tiêu thụ chưa mấy khởi sắc (tiêu thụ tai thị trường nội địa không tăng, xuất khẩu sụt giảm cả về sản lượng lẫn giá...), những yếu tố này khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không mấy tích cực.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chuyên gia về giá cho rằng, việc giá điện tăng không chỉ tác động trực tiếp, mà còn tác động gián tiếp thông qua tăng giá các mặt hàng, với khả năng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tác động lan tỏa có thể lên tới 0,34%, nên rất cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

“Tăng giá điện cần đi kèm với một lộ trình minh bạch, cải cách sâu về thị trường điện cạnh tranh, và cơ chế kiểm soát hiệu quả tài chính của EVN. Nếu không, người dân và doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục gánh chi phí mà chưa thấy cam kết rõ ràng từ bên cung cấp”, ông Thỏa nói.

TP.HCM: Trong ngắn hạn, bảng giá đất chưa làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất
Từ nay đến hết năm 2027, bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM sẽ không ảnh hưởng đến thuế đất phi nông nghiệp đối với các doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư