Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp TP.HCM đối thoại với lãnh đạo Thành phố
Hồng Sơn - 08/03/2016 17:11
 
Nhiều tâm tư, chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp tại buổi đối thoại với lãnh đạo TP.HCM với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới” được tổ chức vào đầu tuần này.

Là người có mấy chục năm gắn bó với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hiệp hội dệt may thêu đan TP.HCM hiểu rất rõ những vấn đề mà ngành phải đối mặt trước thềm hội nhập. Dẫn câu chuyện, nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội “nhảy dựng lên” vì khi ra chợ Kim Biên thấy bán vải giống của mình mà sao rẻ thế, tìm hiểu thì biết là hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, ông Hồng băn khoăn: “Nếu không có sự bảo hộ, hỗ trợ của nhà nước thì doanh nghiệp sao sống được chứ nói gì đến đầu tư mở rộng?”

Ông Hồng nói và nêu con số: kim ngạch xuất khẩu của năm qua của toàn ngành dệt may là hơn 27 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước  nhưng thu về thì chẳng là bao bởi hơn 80% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, trong khi đó lượng nhân công rất lớn, lên tới hơn 2,5 triệu người…

Một cuộc đối thoại giữa DN, kiều bào và lãnh đạo Cục Thuế, Cục Hải quan TP.HCM. (Ảnh: VGP)
Một cuộc đối thoại giữa DN, kiều bào và lãnh đạo Cục Thuế, Cục Hải quan TP.HCM. (Ảnh: VGP)

Không phủ nhận những cơ hội lớn mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, song ông Hồng thẳng thắn cho rằng, để tận dụng được không hề dễ. Bởi, các tiêu chuẩn, điều kiện để nhận được các ưu đãi từ TPP là rất cao, doanh nghiệp trong nước rất khó đáp ứng. Do đó, theo ông Hồng, để giải bài toán này, không cách nào khác phải phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm tỷ lệ nguyên phụ liệu nhập khẩu, không chỉ mãi làm gia công.

“Vấn đề này, doanh nghiệp không tự làm được mà cần nhà nước hỗ trợ, không chỉ là về thuế, hỗ trợ vốn mà cần có những giải pháp cụ thể hơn như hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các dự án dệt nhuộm vì chi phí đầu tư là rất cao”, ông Hồng đề xuất.

Ở góc độ các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, ông Đinh Công Phương, Chủ tịch Công ty thép Phương Mai cho biết, chi phí tại các cảng biển tại TP.HCM còn rất cao. Theo ông Phương, mấy năm gần đây, cước vận tải biển đã giảm nhưng các chi phí tại cảng không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, thiết bị xếp dỡ còn thiếu, dịch vụ còn kém.

“Khi hội nhập, muốn cạnh tranh thì doanh nghiệp phải giảm chi phí”, ông Phượng khẳng định và đề xuất cần có sự can thiệp của nhà nước để xem xét lại các chi phí tại các cảng, trước mắt là cần giảm chi phí xếp dỡ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng quan điểm, ông Vũ Hải Hà, đại diện doanh nghiệp hoạt đông trong lĩnh vực logistics đề xuất, Thành phố nên chăng có chính sách tạm thời về thuế hay các chính sách kích cầu ngắn hạn trong khoảng 2 -3 năm để hỗ trợ doanh nghiệp kịp với tiến độ các hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực.

“TP.HCM cần có những động thái quyết liệt, đủ mạnh để thực sự trở thành một trung tâm tài chính tầm khu vực chứ không chỉ là khẩu hiệu chung chung”, ông Hà nêu mong muốn, bởi chỉ có như vậy thì Thành phố mới trở thành lực hút các nhà đầu tư tài chính, các quỹ đầu tư và như vậy cơ hội để doanh nghiệp huy động vốn, tìm đối tác chiến lược… sẽ thuận lợi hơn và cơ hội để hội nhập, phát triển sẽ cao hơn .

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP.HCM lại nêu vấn đề công tác tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam mới tham gia còn rất hạn chế, nhất là các hội chuyên ngành, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Mấy tháng trước, về vấn đề bán lẻ, hiệp hội đã đề xuất Sở Công Thương họp với các nhà bán lẻ nước ngoài để doanh nghiệpViệt đưa hàng lên kệ siêu thị nhưng họ chỉ cử đại diện không có thẩm quyền đến dự nên rất khó cho doanh nghiệp”, bà Chi bức xúc và cũng cho rằng, công tác xúc tiến thương mại sử dụng nguồn kinh phí từ nhà nước rất khó đến với doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó cũng là rào cản cho doanh nghiệp trong việc hội nhập, trước mắt là việc tiếp cận, tham gia các hội chợ quốc tế để giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác.

Thông tin với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ngay trong ngày 9/3, UBND Thành phố sẽ trình với Thành ủy về Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, cạnh tranh và hội nhập của Thành phố. Người đứng đầu UBND Thành phố kỳ vọng các giải pháp được đề xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển mới. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tham gia góp ý vào chương trình này.

Liên quan đến việc cơ hội để hội nhập là rất lớn và đang rộng mở, dù là đầu tàu kinh tế của cả nước, được xác định là trung tâm tài chính – thương mại tầm cỡ khu vực nhưng hiện nay TP.HCM vẫn chưa có Trung tâm triển lãm quốc tế tầm khu vực, ông Phong cho biết, Thành phố đã có chủ trương giao 10 ha đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho một liên doanh để nghiên cứu lập, xây dựng dự án. Phương án đầu tư, xây dựng Trung tâm triển lãm quốc tế này, dự kiến sẽ được các nhà đầu tư trình với Thành phố vào trung tuần tháng ba tới.

Mở kênh đối thoại với nhà đầu tư Hoa Kỳ về cơ hội tại Việt Nam
Hơn 100 nhà đầu tư quốc tế đã đến dự sự kiện Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư