Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp trút gánh nặng vì được ngân hàng giãn nợ, giảm lãi
Minh Phương - 01/04/2020 16:00
 
Các doanh nghiệp cho biết vô cùng vui mừng khi được ngân hàng giảm hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất và giãn, hoãn thời gian trả nợ.
à
Số dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Vietcombank lên tới khoảng 50.000 tỷ đồng

Tính đến cuối tháng 3/2020, trong gói 285 nghìn tỷ đồng cam kết hỗ trợ khách hàng và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, đã có khoảng trên 80 nghìn tỷ đồng cho vay mới và khoảng 105 nghìn tỷ đồng miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước được giải ngân.

Doanh nghiệp trút gánh nặng vì được giãn, hoãn nợ

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Sungroup cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, đối với lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mà Sungroup là một trong các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này thì có ảnh hưởng rất lớn.  

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, số lượng khách đến với Sungroup giảm khoảng 3 triệu khách, dự báo trong cả năm sụt giảm khoảng hơn 7 triệu khách. Đối với lượng du lịch nghỉ dưỡng, lượng khách hủy booking phòng rất lớn, dự kiến năm nay chúng tôi chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch kinh doanh cả năm, tương đương với khoảng 70% đã thực hiện năm 2019.

Việc sụt giảm doanh thu đã ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp rất lớn. Dòng tiền không về được gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc trang trải các chi phí vận hành, chi trả các khoản nợ gốc, lãi đến hạn cho các tổ chức tín dụng. 

“Thời gian vừa qua, NHNN đã có những chính sách rất kịp thời, đặc biệt là Thông tư 01 hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu lại các khoản nợ gốc, giảm lãi, phí cho các khách hàng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19. Công ty chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức tín dụng là các đối tác của Sungroup trong suốt thời gian dài vừa qua. Theo đó, các tổ chức tín dụng cũng đã giảm khoảng 05,-1%/năm lãi suất cho các khoản vay cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ gốc, lãi đến hạn năm nay mà các mảng hoạt động của công ty bị ảnh hưởng (du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí). Chúng tôi đánh giá rất cao việc các tổ chức tín dụng đã giúp doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ. Theo chúng tôi, đây là điều quan trọng nhất với doanh nghiệp trong thời điểm này”, bà Hương đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid -19, mảng công nghiệp phụ trợ của công ty này giảm đến 50% sản lượng, hàng tiêu dùng giảm khoảng 20%. Điều khiến lãnh đạo công ty ngại nhất là sự thanh khoản của dòng tiền.

“Trước đây, các đối tác của chúng tôi thanh toán rất nhanh, song hiện họ gặp khó khăn nên việc thanh toán bị chậm hơn. Rất mừng là vừa qua, ngành Ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ. Doanh nghiệp được giảm lãi suất đã mừng rồi nhưng còn được giãn, hoãn nợ thì còn mừng hơn. Như trường hợp Minh Dương, do khách hàng thanh toán chậm nên chúng tôi rất cần kéo dài thời hạn để có điều kiện thanh toán nợ đúng hạn cho ngân hàng”, ông Hồng cho biết.

Giảm lãi suất sâu hơn - Ngân hàng chấp nhận cắt giảm lợi nhuận

Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, các ngân hàng thương mại đang tập tích cực, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp. Mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 02 về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid -19. Thông tin tại cuộc họp trực tuyến ngày 31/3 của NHNN với một số tổ chức tín dụng cho thấy, sẽ có một đợt giảm lãi suất mạnh và sâu hơn nữa đã và đang được gấp rút triển khai.

Cụ thể, tại cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra với mức giảm khoảng 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch. Ngay lập tức, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm thêm lãi suất cho vay từ 1/4/2020 như Agribank, VIB…

Ông Phạm Hoàng Đức, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng cho biết, chúng tôi đã có văn bản đưa ra gói ưu đãi lãi suất quy mô khoảng 100 ngàn tỷ đồng, triển khai từ 1/4/2020. Và với tinh thần của Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Agribank cam kết sẽ cùng với các NHTM triển khai các cơ chế, chính sách trong đó hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid 19 như hiện nay. 

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1 - 1,5% đối với dư nợ hiện hữu, trước đây đến 30/4 thì được chuyển sang đến 30/9. Thứ hai, đối với khoản cho vay mới, Vietcombank sẽ dành một gói khoảng 30 nghìn tỷ đồng với mức lãi suất giảm sâu từ 2-2,5%/năm, trong đó các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ giảm đến 2,5%/năm so với mặt bằng lãi suất hiện tại. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 4,5 – 5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng chia sẻ, từ 31/12, VietinBank sẽ xét giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp và người dân vay vốn ở VietinBank với mức khoảng 2%/năm và có thể cao hơn 2,5%/năm, trước hết là đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như các hoạt động phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp”.

Việc giảm lãi suất ở mức độ sâu hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các tổ chức tín dụng. Chủ tịch Vietcombank cho biết, việc giảm lãi suất 2-2,5% đợt tới theo tính toán sẽ khiến Vietcombank giảm lợi nhuận khoảng 300 tỷ đồng. Đây có thể xem là một sự “hy sinh” của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng và nền kinh tế vì bản thân các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp.

Như vậy, với cơ chế chính sách đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống ngân hàng đã giúp tăng thêm niềm tin và động lực để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ngân hàng phải giảm chi lương, thưởng, dừng cổ tức tiền mặt để dồn lực giảm lãi vay
Trong chỉ thị vừa ban hành, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết, bao gồm cả kịch bản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư