Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc: Biểu tượng khát vọng vươn lên của doanh nghiệp Phú Yên
Sơn Châu - 02/07/2017 10:22
 
Chịu khó học hỏi, vận dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản, Doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc đã và đang khẳng định tên tuổi của mình, xứng đáng là lá cờ đầu trong ngành thủy sản Phú Yên.

Điểm nhấn tôm thẻ chân trắng

Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy hải sản nói chung, ngành tôm thẻ chân trắng nói riêng. Hàng năm, doanh nghiệp cung cấp khoảng 2,5 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, chất lượng cao; 8 triệu con giống cá chẽm và nhiều loại giống thủy sản khác cho thị trường.

Để hỗ trợ cho người nuôi, hàng năm, Doanh nghiệp cung cấp trung bình hơn 3.000 tấn thức ăn và các loại khoáng, vi sinh, thuốc thú y  phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Thu hoạch tôm xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc.
Thu hoạch tôm xuất khẩu của Doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc.

Bên cạnh việc cung cấp đầu vào, doanh nghiệp cũng tiến hành thu mua sản phẩm đầu ra. Ước tính, mỗi năm Doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc thu mua và cung cấp cho các nhà máy, các khu chế biến trong và ngoài tỉnh trên 10.000 tấn tôm thẻ nguyên liệu.

Nỗ lực của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 650 lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và đóng góp cho ngân sách hàng năm khoảng 3 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Hữu Tình, Phó giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, doanh nghiệp đã định hướng chiến lược phát triển kinh doanh ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đối với ngành thủy hải sản.

Theo đó, doanh nghiệp đã trang bị máy móc thiết bị hiện đại, liên kết với các tập đoàn lớn, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để lựa chọn những con giống tốt nhất, phù hợp với môi trường ao nuôi để cung cấp cho bà con nông dân.

“Đắc Lộc đang nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, thiết bị và công nghệ nuôi trồng từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Đồng thời, Doanh nghiệp cũng đã hợp tác với các đối tác ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau… để cung cấp và trao đổi các mặt hàng thủy hải sản”, ông Tình nói.

Hiện Doanh nghiệp đang nâng cấp, đầu tư công nghệ cao hiện đại, để hướng tới sản xuất, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, an toàn sinh học. Theo hướng này, Đắc Lộc đã nhập đàn tôm giống bố mẹ tốt nhất từ Thái Lan và các nước khác trên thế giới về sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh như hiện nay, Đắc Lộc đã mở rộng sang lĩnh vực thu mua cá ngừ đại dương và một số thủy hải sản khác. Chính điều này đã mang lại sự đa dạng trong lĩnh vực hoạt động của Đắc Lộc, giảm thiểu rủi ro, một vấn đề luôn tiềm ẩn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Không che giấu kế hoạch dài hạn, ông Tình chia sẻ, trong thời gian tới ngoài hoàn thiện khu sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, Doanh nghiệp đồng thời triển khai Dự án Khu sản xuất tôm thương phẩm theo mô hình nuôi siêu thâm canh tại xã An Mỹ, huyện Tuy An.

“Hiện Đắc Lộc đang xây dựng Trung tâm giao dịch thủy sản ở Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu giao dịch, trao đổi thông tin về thủy sản tại địa phương và các tỉnh, thành phố trong cả nước”, ông Tình cho biết.

Khẳng định thương hiệu

Mặc dù chưa phải là doanh nghiệp có quy mô lớn, nhưng Đắc Lộc luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, chung tay góp sức cùng cộng đồng.

Trong những năm qua, Doanh nghiệp đã tích cực tham gia ủng hộ, tài trợ cho các chương trình xã hội, giáo dục và các hoạt động từ thiện. Đặc biệt là các đối tượng gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, người nghèo neo đơn thông qua các tổ chức xã hội.

Đắc Lộc cũng là một trong số ít những doanh nghiệp thủy sản tại Phú Yên đã tạo tiếng vang và đứng vững trên thương hiệu của chính mình. Chính điều đó là thuận lợi rất lớn, giúp Đắc Lộc duy trì được mạng lưới khách hàng ổn định. Sản phẩm tôm giống của Đắc Lộc đã vươn ra khắp cả nước, từ Cà Mau, Kiên Giang tới Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An...

Doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc là một trong những công ty nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt GLOBAL GAP, một tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu được cấp cho các sản phẩm nông sản. Chứng chỉ này cũng giúp tôm giống của Đắc Lộc đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính.

Khi mới thành lập cách đây 7 năm, tổng tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc là khoảng 20 tỷ đồng. Với sự phát triển mạnh mẽ, hiện quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đã đạt trên 200 tỷ đồng, gấp 10 lần.

Với một doanh nghiệp vừa và nhỏ như Đắc Lộc, việc lọt vào top 5 trong cung cấp tôm thẻ chân trắng là niềm tự hào rất lớn đối với doanh nghiệp tại Phú Yên.

Mặc dù chưa phải là nhà cung cấp tôm giống thẻ chân trắng lớn nhất ở Việt Nam như Công ty CP Group hay Uni-President, tuy nhiên, với một doanh nghiệp vừa và nhỏ như Đắc Lộc, việc lọt vào top 5 trong lĩnh vực này là niềm tự hào rất lớn đối với doanh nghiệp tại Phú Yên.

Xét về quy mô, Đắc Lộc là đơn vị cung cấp tôm giống thẻ chân trắng lớn nhất tại Phú Yên. Với quy mô diện tích 30 ha tại Thị xã Sông Cầu, các bộ phận sản xuất, nuôi trồng ở đây được phân chia rất quy củ và khoa học, bao gồm khu nuôi tôm bố mẹ, khu nuôi tôm giống và các đầm nuôi tôm thương phẩm với 150 nhân công làm việc. Hàng ngày, khu vực này tấp nập xe tải ra vào chở hàng.

Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thương hiệu thật sự khẳng định, đứng vững trên thị trường, Đắc Lộc cũng nhận thấy xu hướng tất yếu trong đầu tư mở rộng và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo ông Tình, hiện đã có một nhóm nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất liên kết với Đắc Lộc để xây dựng nhà máy chế biến tôm xuất sang thị trường Nhật. Bên cạnh đó, Đắc Lộc cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến cá ngừ đại dương. Dự án này cũng sẽ liên kết với đối tác cũng đến từ Nhật Bản để thành lập công ty chuyên thu mua cá ngừ và chế biến để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

“Nếu hai dự án này thành công, tôi sẽ hoàn thành được ước mơ của mình là kinh doanh từ tôm giống, tôm thương phẩm và tôm chế biến”, ông Tình nói.

Thủy sản Đắc Lộc nhận chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Ngày 13/4, tại Phú Yên, Bộ NN&PTNT đã trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho Công ty TNHH Đắc Lộc....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư