Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng với Mobile Money
Hữu Tuấn - 18/04/2019 10:20
 
Với hạ tầng công nghệ hiện đại, tệp khách hàng sẵn có, mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp và nguồn tài chính dồi dào, các nhà mạng đã sẵn sàng thí điểm dịch vụ thanh toán điện tử không qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money).
.
Thanh toán qua di động sẽ là một cú huých cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Cho phép thí điểm Mobile Money

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. Trong nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án cho doanh nghiệp viễn thông thí điểm Mobile Money.

Trước đó, Chính phủ đồng ý việc thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản nhỏ lẻ và đầu tiên sẽ thí điểm với một đơn vị viễn thông. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đồng ý chủ trương dùng tài khoản viễn thông để thanh toán nhằm thúc đẩy nhanh, mạnh hơn thanh toán điện tử, chứ không chỉ ngân hàng làm điều này.

Mới đây, tại Diễn đàn CEO 2019: Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo - bứt phá từ tư duy đến hành động, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ. Thí dụ, Uber đang thách thức taxi, fintech thách thức ngân hàng truyền thống.

“Cho phép tài khoản viễn thông di động thanh toán mua hàng hoá sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân, nhưng lại thách thức ngân hàng. Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu khi chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có giá trị nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng

MobiFone là nhà mạng thứ 3 vừa nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin được triển khai dịch vụ Mobile Money. Nhà mạng này cho rằng, Mobile Money là một loại tiền điện tử cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và thanh toán sử dụng điện thoại di động, sẵn sàng phục vụ những người chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người dân không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính

“Thanh toán qua di động sẽ là một cú huých cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Với tình hình triển khai dịch vụ tài chính số hiện nay thì Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ Mobile Money”, đại diện MobiFone cho biết.

Trước đó, tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Tập đoàn VNPT vào tháng 2/2019, lãnh đạo VNPT đã đề xuất cho phép đơn vị này triển khai dịch vụ Mobile Money, đồng thời khẳng định, VNPT đã sẵn sàng triển khai dịch vụ Mobile Money.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT, Mobile Money là xu hướng triển khai chung của thế giới. Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0. Tập đoàn VNPT, với tiềm lực lớn về khoa học, công nghệ, sở hữu một mạng lưới viễn thông rộng khắp cả nước, là doanh nghiệp có hạ tầng rộng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác viễn thông với tệp khách hàng lớn đang sử dụng mạng viễn thông di động, có tiềm năng về kinh tế, có các kênh bán hàng khổng lồ, hoàn toàn đủ khả năng phát triển mạng lưới thanh toán điện tử phi tiền mặt tầm cỡ, góp phần hiện thực hóa tham vọng xây dựng một xã hội không tiền mặt của Chính phủ.

“Chúng tôi đã sẵn sàng. Về vốn, thậm chí đã đủ vốn điều lệ để thành lập một ngân hàng”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel cho viết, Viettel cũng đã đề nghị Chính phủ cấp phép tham gia phát triển thanh toán số.

“Mobile Money góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống”, ông Dũng khẳng định.

Khẳng định đây là cơ hội rất lớn của Viettel và nhà mạng đã sẵn sàng, ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, Viettel phải phát triển nhiều dịch vụ, làm sao để từng cửa hàng tạp hóa, bãi đỗ xe, quán café, trà đá… cũng có thể thanh toán qua điện thoại được. Do đó, việc phát triển hàng triệu điểm thanh toán là một bài toán đặt ra cho nhà mạng. Ngoài ra, công tác truyền thông, đào tạo thói quen mới cho người dùng cũng rất quan trọng.

Được thông qua thí điểm tham gia thanh toán điện tử các khoản nhỏ lẻ bằng tài khoản viễn thông là cơ hội rất lớn cho các nhà mạng phát triển đột phá, giúp nhà mạng khai thác thêm thế mạnh về mạng lưới giao dịch, nền tảng công nghệ. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp viễn thông bước chân vào lĩnh vực tài chính giàu tiềm năng.

Mobile Money là xu thế tất yếu toàn cầu. Những năm gần đây ở Việt Nam, nhu cầu thanh toán điện tử đang tăng lên rất cao. Dự báo đến năm 2020, thị trường fintech Việt Nam tăng lên mức 7,8 tỷ USD. Các giải pháp thanh toán số đang chiếm tới 89% thị trường fintech tại Việt Nam. Lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng lần lượt 31,2% và 35,9% vào năm 2025.
Thủ tướng đồng ý thí điểm mobile money
Trong phần phát biểu kết luận Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 15/1/2019, Thủ tướng Nguyễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư