Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt thu lời triệu đô từ xuất khẩu phồng tôm, bánh tráng, phở khô
Thế Hải - 22/08/2017 08:11
 
Những mặt hàng tưởng chừng như có giá trị không đáng kể, từ bánh tráng, phồng tôm, bún, phở khô…lại đang mang về cho doanh nghiệp Việt doanh thu và lợi nhuận hàng triệu USD.
Công ty CP Thực phẩm Bích Chi mang nhiều sản phẩm chủ lực từ bún, phở khô, bánh phồng tôm, bánh tráng...đến Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan để giới thiệu sản phẩm và gập gỡ các nhà mua hàng.
Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi mang nhiều sản phẩm chủ lực từ bún, phở khô, bánh phồng tôm, bánh tráng...đến Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan để giới thiệu sản phẩm và gập gỡ các nhà mua hàng.

Xuất khẩu phồng tôm, bánh tráng, bún gạo… thu lời lớn

Phồng tôm, hủ tiếu, bánh tráng, bún gạo, miến… những món ăn không hề đắt đỏ đối với nhiều thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng đem lại doanh thu hàng chục triệu USD cho doanh nghiệp Việt.

Gian hàng của Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp) hiện diện tại Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan do Tập đoàn Central Group tổ chức mùa thứ 2, với đầy đủ các sản phẩm chủ lực: phồng tôm, phở, hủ tiếu, bún gạo, miến, bánh tráng các loại… để tiếp thị tới người dân Thái. 

Ước mơ đưa những món ăn Việt Nam sang thị trường Thái Lan tiếp tục được nhà sản xuất này cụ thể hóa bằng những chuyến đi ra khỏi biên giới Việt, dù biết chưa dễ có được đơn hàng xuất khẩu.

“Đây là chuyến đưa hàng sang Thái lần thứ 2 trong tháng 8/2017 của Bích Chi. Năm trước doanh nghiệp đã tham dự Tuần hàng Viêt Nam tại Thái Lan nhưng chưa thu được kết quả. Đầu tháng 8/2017, chúng tôi đã có mặt tại Bangkok  trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế ASEAN - Ấn Độ tại Bangkok”, bà Bùi Thị Ngọc Tuyền, Phó phòng Xuất khẩu Công ty Bích Chi tiết lộ.

Thành lập vào năm 1966, trải qua những năm tháng dựng xây, phát triển và không ngừng đổi mới, Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình, trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Ít ai biết, từ những món ăn nhẹ, đã khiến Bích Chi mang lại doanh thu đáng nể. Năm 2016, tổng doanh thu của Công ty đạt 448 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD), tăng 20% so 2015, trong đó 60% doanh thu đến từ xuất khẩu.

Riêng sản phẩm phồng tôm đóng góp 50% tổng giá trị xuất khẩu, lợi nhuận cả năm 2016 ghi nhận 46 tỷ đồng (hơn 2 triệu USD). 

Mục tiêu về đích với doanh thu 480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 50 tỷ đồng đã được nhà sản xuất này đặt ra cho năm 2017.

Lý giải về sự xuất hiện liên tiếp tại Thái Lan, bà Tuyền cho biết, từ nhiều năm nay, sản phẩm của Bích Chi đã xuất khẩu đi 40 nước trên thế giới. Khu vực ASEAN cũng đã vào tới Indonesia, Malaysia, Myanmar... Thái Lan thì Công ty đã xuất qua rồi, nhưng là với mặt hàng bánh tráng với số lượng còn khá hạn chế cho nhà thu mua khác, chứ không phải Central Group. Công ty muốn sải bước dài hơn tới Thái Lan với những mặt hàng phồng tôm, mỳ, hủ tiếu khô…

Tại Hội chợ quốc tế ASEAN - Ấn Độ tại Bangkok diễn ra từ 2-5/8 vừa qua, nhà sản xuất này đã lọt vào tầm ngắm của BigC Thái Lan.

“Chúng tôi đã có buổi làm việc thứ 2 với BigC Thái Lan vào hôm 17/8 khi vừa đặt chân sang đây để tham dự Tuần hàng Việt. Tại buổi làm việc này, Bích Chi đã gửi mẫu sản phẩm theo đúng yêu cầu bên mua và sẽ có những buổi gặp tiếp theo”, bà Tuyền chia sẻ.

Trong khi đó, một doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” hơn Bích Chi, Công ty TNHH Thực phẩm Phúc An Nhiên, dù sở hữu quy mô sản xuất nhỏ hơn, cũng có thâm niên xuất khẩu hơn chục năm đối với các sản phẩm bún, phở khô, miến khô và bánh tráng các loại…

Ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phúc An Nhiên cho hay, là doanh nghiệp khởi thủy từ cơ sở làng nghề truyền thống nhưng đến nay Công ty đã sở hữu 4 nhà máy tại Củ Chi và lấy xuất khẩu làm kênh tiêu thụ chính.70% kim ngạch xuất khẩu của Công ty là xuất khẩu đi Australia và Mỹ.

Thị trường mới nhất và “xương” nhất bởi yêu cầu về tiêu chuẩn khắt khe là Nhật Bản, Công ty cũng đã chinh phục được. Xuất khẩu chắc chắn là đường đi dài của Phúc An Nhiên, khi mà hiện Công ty mới chạy 50% công suất nhà máy.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh khâu xuất khẩu trực tiếp để gia tăng giá trị. Điều mong mỏi lớn hơn nữa là Phúc An Nhiên muốn tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể làm cầu nối để Công ty gia tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường mới, trong đó có ASEAN”, ông Kiên nói.

Hơn chục năm xuất khẩu đi Mỹ, Australia, “vốn liếng” của Phúc An Nhiên ngoài chất lượng sản phẩm, còn các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, luôn bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn khắt khe nhất của từng nhà nhập khẩu.

Sẽ đầu tư mở rộng sản xuất

Thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm bánh tráng, bún, phở khô được các doanh nghiệp nhận định là còn nhiều cơ hội.

Để tận dụng tối đa cơ hội thị trường, Bích Chi đã có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất. Nhà máy thứ 2 sẽ được xây dựng tại Đồng Tháp trong năm 2017-2018, để Công ty đạt quy mô sản xuất, kinh doanh “phình to” trong những năm tới, đưa ra thị trường thêm sản phẩm mới.

Điều này cũng được bà Tuyền khẳng định, “chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất bởi hiện tai công suất tại 4 dây chuyền sản xuất của Công ty đã đạt tới 100%. Nhà máy thứ 2 dự kiến sẽ đặt tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp.

Các sản phẩm bánh tráng, bún, phở khô, bánh phồng tôm mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt cho các doanh nghiệp.
Các sản phẩm bánh tráng, bún, phở khô, bánh phồng tôm mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt cho các doanh nghiệp.

Mặc dù cạnh tranh trong lĩnh vực thực phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu ngày càng khốc liệt, nhưng khó khăn không cản bước tiến của nhà sản xuất này.

“Tại nội địa, sản phẩm của Bích Chi đã vào được hết kênh bán lẻ hiện đại, còn kênh xuất khẩu vẫn tiếp tục mở ra triển vọng khi cơ hội tại Nhật Bản, Senegal, đặc biệt là Hàn Quốc tăng lên, nhất là từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực.

Quan trọng hơn cả là dù thị trường có nhiều đơn vị cùng ngành, nhưng lợi thế của Bích Chi là đã có các chứng chỉ xuất khẩu về thực phẩm mà các thị trường nhập khẩu yêu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...yêu cầu”, bà Tuyền nói thêm.

Để duy trì vị thế xuất khẩu, được các khách hàng duy trì đơn hàng, hàng năm, Bích Chi vẫn đón các nhà nhập khẩu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sản phẩm và dây chuyền sản xuất đạt chuẩn trong ngành thực phẩm mà Bích Chi đang sở hữu…là cơ sở để Công ty tự tin mang sản phẩm đi “chinh phục” các thị trường mới, lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định.

Riêng với Phúc An Nhiên, Nhà máy mới nhất nằm trong hệ thống sản xuất vừa được khánh thành vào năm 2016. Nhiệm vụ trước mắt của doanh nghiệp là nỗ lực để chạy hết 100% công suất, với sản lượng khoảng 1.200 tấn/năm. Khi các nhà máy chạy hết công suất, doanh thu từ xuất khẩu của Phúc An Nhiên sẽ cán mốc hơn 1 triệu USD, gấp đôi so với hiện tại.

Hàng Việt tìm đường sang đất Thái
Hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ đã xuất hiện tại Tuần hàng Việt Nam tại Bangkok từ 17 - 21/8/2017 để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư