Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt xoay trở “hàn gắn” đứt gãy thương mại
Thế Hải - 23/03/2020 08:32
 
Dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia, khiến hoạt động xuất khẩu tới những thị trường chủ lực bị ảnh hưởng, đình trệ, thậm chí đứt gãy. Để sống sót, trụ lại và thoát khó, các doanh nghiệp Việt không có cách nào khác ngoài việc phải xoay chuyển, chủ động, linh hoạt ứng phó và biết chớp lấy cơ hội.
TIN LIÊN QUAN
Các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường... để vượt qua “cơn bão” Covid-19. Ảnh: Đức Thanh
Các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường... để vượt qua “cơn bão” Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

“Ngồi trên đống lửa”

Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP.HCM), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng thời trang đang “ngồi trên đống lửa” bởi khách hàng từ Mỹ và EU vừa thông báo dừng nhập khẩu. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean xác nhận, doanh nghiệp của ông đã nhận thông báo ngưng xuất hàng sang các nước EU từ ngày 13/3 và ngưng xuất sang Mỹ từ ngày 18/3.

Ở phía Bắc, Tổng công ty CP May 10 cũng không tránh khỏi tình trạng bị hủy đơn hàng. Đại diện May 10 cho biết, toàn bộ lô hàng đi bằng đường hàng không tới Mỹ đều bị hủy; các lô hàng đường biển trong tháng 3 bị lùi sang tháng 4 và 5, điều chỉnh giảm số lượng mua hàng các tháng kế tiếp. Cá biệt, có khách hàng chưa chịu nhận 40.000 sản phẩm đã sản xuất xong và hoãn đơn hàng 39.000 sản phẩm trong tháng 4/2020.

Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng của Covid-19, châu Âu trở thành tâm dịch tiếp theo của thế giới, ngày 17/3, lần đầu tiên, lãnh đạo tất cả các quốc gia thành viên EU thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu thông qua kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU trong 30 ngày tới, có thể kéo dài nếu cần thiết.

Động thái trên giáng đòn khá mạnh vào nhiều ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam, từ dệt may, giày dép, thủy sản…          

Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu quý I và quý II của Việt Nam sang EU có thể giảm 6 - 8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6, đồng thời nhận định, những mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó cả khâu cung ứng lẫn sự giảm sút nhu cầu từ thị trường. EU là đối tác thương mại quan trọng, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 56,4 tỷ USD (năm 2019), trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU trên 41 tỷ USD.

Vì vậy, chỉ cần chậm trễ trong lưu thông hàng hóa do kiểm soát biên giới chặt chẽ, cũng làm giảm đáng kể giá trị xuất khẩu. Tâm lý lo lắng đứt gãy thương mại của các doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng hóa nhập khẩu vào EU bằng đường hàng không sẽ bị đình trệ do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Vận tải nội khối cũng bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới. Lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác, trong đó có Việt Nam, sẽ phần nào bị hạn chế. Bằng chứng là, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 5 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về khó khăn do Covid-19 và ảnh hưởng của việc EU đóng cửa biên giới tới hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, ông Nicolas Audier, Chủ tịch của EuroCham khẳng định, các doanh nghiệp trên thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có và doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chỉ trong ba ngày, từ 16 - 18/3/2020, một số khách hàng từ EU và Mỹ đã thông báo giãn thời gian giao hàng 3 - 4 tháng để chờ thị trường phục hồi. Lượng đơn hàng bị  hủy tương đương nửa tháng sản xuất của nhiều đơn vị, tương ứng 3 - 3,5% sản lượng năm 2020.

Tìm “cửa” thoát khó

Trong thế khó của thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp phải buộc phải xoay chuyển, tìm mọi phương cách để có thể “sống sót”, trụ lại và thoát khó.

Trên thực tế, trong bức tranh u ám của dịch bệnh, không phải khách hàng nào cũng mang đến những tin xấu cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp da giày tại miền Trung chia sẻ, Công ty chỉ bị hủy vài đơn hàng sang Mỹ, nhưng đổi lại, các khách hàng tại thị trường Nhật Bản và EU vẫn ổn định, chưa hủy hoặc hoãn nhập hàng.

Trong khó khăn, có những doanh nghiệp vẫn tìm được cơ hội và duy trì tăng trưởng, có thể kể đến trường hợp của Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân.

Ông Trần Việt, Tổng giám đốc Dệt kim Đông Xuân cho biết, do sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, tự sản xuất được vải, với mặt hàng chủ lực là vải dệt kim, trong đó 90% đơn hàng xuất khẩu được làm cho khách Nhật Bản, nên Công ty không chịu tác động như nhiều doanh nghiệp trong ngành, thậm chí còn tăng doanh số từ việc may khẩu trang vải kháng khuẩn và tăng sản lượng vải bán cho các doanh nghiệp trong ngành.

“Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp gần như đứng ngoài cơn bão Covid-19, bởi toàn bộ hàng xuất khẩu đều đã ký với khách Nhật Bản và chưa chịu ảnh hưởng bởi sụt giảm đơn hàng, dẫu Nhật Bản cũng đang gồng mình đối phó với dịch. Căng thẳng nhất trong 2 tháng qua là Công ty phải điều phối một số chuyền may hàng xuất khẩu sang may khẩu trang phục vụ thị trường nội địa chống dịch Covid-19, nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành đơn hàng xuất khẩu”, ông Việt chia sẻ.

Trong tình cảnh khó khăn bủa vây, doanh nghiệp vẫn có cơ hội nếu chủ động, linh hoạt ứng phó và biết chớp cơ hội. Đơn cử, khi xuất khẩu hoa quả, hàng tươi sống bị đình trệ, doanh nghiệp phải tính ngay đến việc xây dựng nhà máy đóng hộp, tăng chế biến sâu…

Bằng sự ứng phó linh hoạt, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG vẫn đạt doanh thu gần 560 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, dù thị trường chung bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, đơn hàng cho năm 2020 rất tốt. Nhiều khách hàng truyền thống của Công ty như Decathlon (Pháp) tăng 29% đơn hàng so với năm trước, Spormaster (Nga) tăng 73%… Công ty dự kiến kế hoạch doanh thu năm 2020 khoảng 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng 10%.

Thị trường phục hồi sau dịch và “Quân bài” EVFTA

Trong phiên họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công thương cuối tuần qua (20/3), nhiều thông tin về dịch bệnh tại Mỹ và EU cùng các giải pháp ứng phó đã được đưa ra. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu - châu Mỹ cho biết, ngay khi có thông tin một số đối tác EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, Vụ đã làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.

Theo ông Linh, Phái đoàn Liên minh châu Âu khẳng định, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Hàng hóa, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men... Chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hóa. Tương tự, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định, không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang Mỹ.

Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu quan trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh dịch bệnh, đóng cửa biên giới, cấm tụ tập đông người, nhiều trung tâm thương mại lớn đóng cửa, sức tiêu thụ giảm mạnh, sự điều chỉnh của một số nhà mua hàng tại các thị trường này là không tránh khỏi.

Đối với các ngành hàng sản xuất có đầu ra chủ yếu là xuất khẩu như giày dép, dệt may, nông thủy sản…, thì vẫn phải  trông chờ việc xử lý, dập dịch của thế giới. Nếu dịch kéo dài,  thì khó khăn sẽ càng nhân lên.

“Do đó, doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp, tận dụng kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc”, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị.

Trong bối cảnh nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU đang bị tạm dừng, giãn tiến độ do Covid-19, thông tin khả quan từ thị trường châu Á - châu Phi được kỳ vọng sẽ giảm thế khó cho các ngành hàng xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN vẫn đang được duy trì. Hàn Quốc dù có nhiều ca Covid-19 nhưng không đóng cửa biên giới, không cắt giảm chuyến bay, hoạt động giao thương đường biển vẫn bình thường, nên thời gian tới, doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung cho các thị trường này.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận, có thể phải mất 7 - 10 tuần nữa để xử lý dịch tại EU và Mỹ. Trong khoảng thời gian này, phải có sự chuẩn bị tốt, tập trung khai thác mạnh mẽ các thị trường đang hồi phục trở lại sau dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vì nhu cầu hàng hóa sau dịch bệnh rất lớn. Đặc biệt, phải có sự chuẩn bị thật tốt cho EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới.

Đưa ra những kịch bản tăng trưởng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng Bộ Công thương cũng khẳng định, các ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu không nên quá lo lắng, bởi thông lệ, sau kỳ sụt giảm, tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2020 có thể khả quan hơn, nhất là khi EVFTA dự kiến bắt đầu có hiệu lực.

“Đại dịch Covid-19 gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Trong hơn 20 năm hoạt động, Vinatex từng trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, nhưng tại những thời điểm đó, sản xuất vẫn được duy trì, dù tuy lượng cầu giảm, tiến độ giao hàng bị giãn. Lần này, không chỉ bị đẩy lùi thời gian giao hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may còn bị hủy hẳn đơn hàng. Chúng tôi đang hết sức trăn trở để tìm cách khắc phục”.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư